Bộ phim "Đào, phở và piano" trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội, được khán giả quan tâm.
Ngày 18.2, trang web Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị sập do lượng người truy cập quá đông. Tình trạng này xảy ra do lượng đặt vé phim "Đào, phở và piano" tăng đột biến.
Trung tâm Chiếu phim quốc gia hiện là địa điểm duy nhất trên cả nước chiếu "Đào, phở và piano". Vì vậy, khán giả chỉ có thể truy cập và đặt vé trên trang web hoặc ứng dụng riêng của đơn vị.
Trước đó, phim chỉ chiếu 2-3 suất mỗi ngày, mỗi rạp khoảng 100 khán giả. Tuy nhiên, số lượng khán giả tìm xem phim bỗng tăng vọt. Trong 2 ngày 19 và 20.2, phim tăng lên có 15 suất chiếu/ngày nhưng toàn bộ vé đã bán hết, chỉ còn một số vị trí sát màn hoặc rìa ngoài cùng.
Một bộ phim về đề tài chiến tranh, do Nhà nước đặt hàng và chỉ chiếu ở một địa điểm bỗng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, tạo nên sự hứng khởi với khán giả Hà Nội.
Một cảnh trong phim "Đào, phở và piano". Ảnh: Nhà sản xuất
Khán giả Hà Nội cho biết họ không thể đặt vé xem "Đào, phở và piano" ngoài giờ hành chính, hoặc phải chấp nhận ngồi hàng đầu sát màn hình. Những khán giả ở tỉnh khác hoàn toàn không có cách theo dõi bộ phim này.
Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, dù chỉ có 11 suất chiếu trong ngày 18.2, nhưng tỉ lệ lấp đầy của tác phẩm này cao hơn "Mai" của Trấn Thành. Phim Mai có 5.006 suất chiếu trong ngày, bán ra 186.973 vé, trung bình 1 suất chiếu có hơn 37 vé. Trong khi đó, "Đào, phở và piano" trung bình 1 suất chiếu có hơn 132 khán giả.
Phim “Đào, phở và piano” bất ngờ được khán giả săn đón. Ảnh: Nhà sản xuất
"Đào, phở và piano" là bộ phim do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất.
Phim có sự tham gia của các gương mặt diễn viên quen thuộc như NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng...
Nội dung phim xoay quanh mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), qua đó tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa.
Dự án được đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản và chỉ đạo thực hiện với kinh phí đầu tư 20 tỉ đồng.
Họa sĩ Vũ Việt Hưng cũng rất công phu khi xây dựng cả một con phố dài 120 mét, rộng 9 mét (theo tỉ lệ 1:1) để làm bối cảnh chính cho bộ phim.
Chia sẻ với Lao Động, họa sĩ Vũ Việt Hưng nói: "Chúng tôi tự làm mọi thứ: gạt nền, đổ nhựa, làm đường, tạo hình các căn nhà, hình thành một khu phố cổ 2 mặt tiền. Sau hơn 5 tháng thi công, chúng tôi đã dựng xong những ngôi nhà cổ Hà Nội thập niên 1940, những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô yêu dấu năm xưa"./.
Nguồn: Thùy Trang/laodong.vn