



Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn ngày 25.7 để trao đổi về giao tranh biên giới Thái Lan - Campuchia.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an về căng thẳng biên giới Thái Lan - Campuchia dự kiến diễn ra lúc 15h chiều 25.7, giờ New York (2h sáng 26.7, giờ Hà Nội).
Cuộc họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc được triệu tập để đáp lại yêu cầu khẩn cấp của Thủ tướng Campuchia Hun Manet kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp sau giao tranh giữa 2 quốc gia láng giềng Đông Nam Á.
Ngày 25.7, quân đội Thái Lan - Campuchia vẫn đang giao tranh. Quân đội Thái Lan cáo buộc Campuchia dùng vũ khí hạng nặng. "Các lực lượng Campuchia đã tiến hành các cuộc pháo kích liên tục bằng vũ khí hạng nặng, pháo dã chiến và hệ thống tên lửa BM-21. Các lực lượng Thái Lan đã đáp trả bằng hỏa lực hỗ trợ phù hợp với tình hình chiến thuật" - quân đội Thái Lan nêu trong thông cáo. Ngày 25.7, quân khu 2 Thái Lan kêu gọi người dân tránh vào khu vực biên giới do giao tranh vẫn tiếp diễn ở một số địa điểm.
Máy bay chiến đấu F-16 của Thái Lan không kích địa điểm quân sự của Campuchia ngày 24.7. Ảnh: Quân đội Thái Lan
Cùng ngày, cơ quan quản lý bom mìn của chính phủ Campuchia cáo buộc quân đội Thái Lan sử dụng "một lượng lớn bom chùm", gọi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực nhân đạo. Theo cáo buộc, lượng lớn bom chùm được Thái Lan sử dụng 2 lần trong vòng 90 phút tại tỉnh Preah Vihear.
Theo Bộ Y tế Thái Lan, số thương vong ở nước này trong giao tranh biên giới với Campuchia đã tăng lên 15, trong đó có 14 thường dân. 46 người bị thương, bao gồm 15 binh sĩ.
Campuchia chưa cung cấp thông tin chi tiết về thương vong hoặc sơ tán dân thường, dù Phó Thống đốc tỉnh Oddar Meanchey Met Measpheakdey cho biết có 1 thường dân 70 tuổi thiệt mạng và 5 người khác bị thương ở tỉnh này.
Trong bối cảnh xung đột biên giới Campuchia - Thái Lan, các doanh nghiệp Thái Lan đang ban hành các kế hoạch dự phòng khẩn cấp, gồm hủy bỏ các sự kiện, tăng cường dự trữ hàng hóa và chuẩn bị sơ tán.
Việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới Thái Lan - Campuchia từ ngày 24.7 làm gián đoạn thương mại song phương, vốn ở mức khoảng 174,53 tỉ baht (4,78 tỉ USD) năm 2024. Theo Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), đầu tư của Thái Lan vào Campuchia đạt 3,785 tỉ USD, sử dụng 62.733 lao động Campuchia, chủ yếu trong các ngành nông nghiệp.
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan xác nhận rằng các nhà đầu tư Thái Lan vẫn chưa bị thiệt hại trực tiếp. Tuy nhiên, lo ngại đang gia tăng về khả năng gián đoạn các tuyến đường vận tải biển.
Trong diễn biến liên quan khác, Campuchia lệnh tạm thời đóng cửa tất cả 260 trường học trên khắp tỉnh Oddar Meanchey do giao tranh biên giới.
Bộ Y tế Campuchia đã triệu tập cuộc họp ngày 24.7 để xem xét kế hoạch chiến lược cung cấp dịch vụ y tế và hỗ trợ khẩn cấp dọc theo khu vực biên giới. Bộ trưởng Y tế Chheang Ra chỉ đạo các sở y tế tổ chức các đội y bác sĩ và y tá luân phiên để thay thế nhân viên y tế tuyến đầu khi cần thiết.
Một số bệnh viện gần biên giới của Thái Lan với Campuchia cũng phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Tại tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan, 3 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, gồm 2 bệnh viện đóng cửa hoàn toàn, 1 bệnh viện đóng một phần. Tại tỉnh Sisaket, 2 bệnh viện đóng cửa hoàn toàn. Tại tỉnh Surin, 2 bệnh viện đóng cửa một phần và 2 bệnh viện đóng cửa hoàn toàn. Một bệnh viện tại tỉnh Buriram đóng cửa trong khi 2 bệnh viện khác tại tỉnh này đóng cửa một phần./.
Nguồn: Thanh Hà/laodong.vn