Trong khi bảo hiểm xã hội (BHXH) được xem như một bệ đỡ cho người lao động khi về già, không có nguồn thu nhập và không có sự hỗ trợ của con cái, nhiều người trong độ tuổi lao động trong năm 2021 lại chọn cách rút BHXH một lần. ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Giang Thanh Long - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân để có góc nhìn toàn cảnh về vấn đề này.
Về quê là lựa chọn cuối cùng của người lao động
ĐS&PL: Tổng cục Thống kê cho biết số lao động về quê trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại các tỉnh phía Nam lên tới hơn 2,2 triệu người. Ông đánh giá thế nào về con số nêu trên?
PGS.TS Giang Thanh Long: Vùng Đông Nam Bộ là "vựa việc làm" cho hàng chục triệu lao động vì tập trung nhiều khu công nghiệp và có Tp.HCM với quy mô dân số, lao động và kinh tế lớn nhất cả nước.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư từ ngày 27/4 đã tác động sâu, rộng tới cả nước, đặc biệt là các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ, khiến hàng chục triệu lao động kiệt quệ cả thu nhập và tinh thần sau gần nửa năm chống chọi với dịch qua các đợt giãn cách, phong tỏa kéo dài. Người lao động (NLĐ) rời quê vì công ăn việc làm nên lựa chọn về quê có lẽ là giải pháp cuối cùng vì không còn hoặc ít hy vọng sinh kế để duy trì cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Việc về quê sẽ tác động ở cả điểm rời đi (nơi đang làm việc) là sẽ có thể rơi vào tình trạng thiếu lao động khi sản xuất được phục hồi và cả điểm đến (quê) là tạo sức ép về việc làm (nếu NLĐ quyết định ở lại) cũng như ASXH. Việc di chuyển là quyền của NLĐ nên việc này đòi hỏi phải có thêm chính sách thích ứng, hỗ trợ họ ở nhiều mặt.
Quang cảnh đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Tính trên số lượng 12,6 triệu NCT thì tỉ lệ có hưu trí là gần 30%.
ĐS&PL: Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ông có nhận định gì về việc thực thi các chính sách ASXH cho người lao động chịu tác động bởi đại dịch Covid?
PGS.TS Giang Thanh Long: Tính đến cuối tháng 12/2021, cả thế giới có khoảng gần 1.800 chính sách ASXH giúp phòng, chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm kịp thời tới mọi tầng lớp lao động bị ảnh hưởng. Thống kê của chúng tôi qua các nghiên cứu cho thấy, ngoài các nghị quyết lớn như Nghị quyết 42/2020; NQ 68/2021; NQ 116/2021, các Bộ, ngành, tỉnh/thành cũng có những chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua đại dịch.
Chính phủ và các địa phương đã thể hiện sự kịp thời trong việc hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương trong dịch Covid-19.
Rủi ro cho "nhóm ở giữa mất tích"
ĐS&PL: Đối với lao động tự do, họ không có BHXH và cũng không có hợp đồng lao động, các công việc chủ yếu dựa trên thỏa thuận miệng. Ông đánh giá ra sao về tác động của dịch Covid-19 lên nhóm người này?
PGS.TS Giang Thanh Long: Có thể nói, người lao động tự do là người chịu tác động nặng nề nhất vì họ không có hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, thậm chí bảo hiểm y tế (BHYT). Khi đại dịch xảy ra, đặc biệt khi phải giãn cách xã hội hoặc phong tỏa ở mức độ cao, hầu như thu nhập của họ bị giảm mạnh, mất sinh kế.
Cùng lúc đó, các gói hỗ trợ như đã nêu trên cũng chưa tới được một phần nhóm lao động này do nhiều cản trở trong việc xác định đối tượng (yêu cầu về nơi cư trú; xác nhận của chính quyền địa phương...) và vì thế, họ càng rơi vào vòng luẩn quẩn.
Từ thực tế này, chúng ta thấy cần có một hệ thống ASXH mở rộng hơn để bao phủ nhóm lao động này - nhóm lao động mà chúng tôi thường gọi là "Nhóm ở giữa mất tích" (the missing middle) - nhóm khó xác định khi đại dịch xảy ra. Trong hệ thống ASXH, họ không phải là người nghèo mà cũng không phải là người có thu nhập cao nhưng lại không tham gia BHXH nên không được hưởng chế độ hỗ trợ khi mất việc làm, đau ốm hoặc các rủi ro lao động khác.
Khi không tham gia BHXH, những cú sốc tương tự như Covid-19 có thể xảy ra trong tương lai sẽ là thách thức lớn cho bản thân họ khi không có nguồn thu nhập để bù đắp cho những khoản đã mất. Đây là bài học để chúng ta thấy cần phải tiếp tục mở rộng hơn nữa hệ thống BHXH và khuyến khích mọi người lao động tham gia.
Có thể vẫn còn những tranh luận về việc hưởng ít hay hưởng nhiều, nhưng dù sao đi chăng nữa, Covid-19 cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta mất trắng, BHXH sẽ bù đắp lại một phần những mất mát đó.
PGS.TS Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế Quốc dân có nhiều năm nghiên cứu về các vấn đề dân số, khía cạnh kinh tế của già hóa dân số, an sinh xã hội.
ĐS&PL: Vẫn còn nhóm người dễ bị tổn thương là người cao tuổi (NCT) không có lương hưu, trợ cấp. Ông đánh giá sao về nhóm này?
PGS.TS Giang Thanh Long: Hiện có tỉ lệ không nhỏ NCT chưa được bao phủ bởi hệ thống hưu trí hoặc trợ giúp là do tính lịch sử của hệ thống ASXH. Trước năm 1995, hệ thống chỉ dành cho công, nhân viên chức Nhà nước hoặc các lao động các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước nên tỉ lệ bao phủ thấp. Sau năm 1995, chúng ta có hệ thống như hiện nay và số lượng người hưởng chưa nhiều. Tính trên số lượng 12,6 triệu NCT thì tỉ lệ có hưu trí gần 30%. Một tỉ lệ tương tự khoảng 30% là NCT hưởng trợ cấp bằng tiền hàng tháng theo Nghị định 20/2021 (trước đây là NĐ 67/2007; NĐ 13/2010 và NĐ 136/2013).
Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau Nghị quyết 28/2018 của BCH TW Đảng về cải cách hệ thống BHXH, người tham gia BHXH đã tăng lên. Trong thời gian tới, mức độ tham gia tiếp tục cải thiện thì trong tương lai sẽ có nhiều người hưởng hưu trí hơn.
ĐS&PL: Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo ông, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng gì khi nhóm người lao động kể trên sẽ gia nhập nhóm người cao tuổi trong tương lai?
PGS.TS Giang Thanh Long: Thực tế, ở các nước có tốc độ già hóa nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đều cho thấy, dù ở mức độ phát triển kinh tế khác nhau thì dân số già, lực lượng lao động già đều có tác động hai mặt: tích cực và tiêu cực, tùy thuộc vào cách chúng ta có chính sách thích ứng với dân số già hóa thế nào.
Ví dụ, tận dụng cơ hội dân số vàng để tích lũy kinh tế và chuẩn bị cho dân số già. Có chính sách tiếp tục sử dụng lao động cao tuổi vào các công việc phù hợp.. sẽ duy trì được nền sản xuất. Ngược lại, lao động trẻ ít kỹ năng, thiếu việc làm thì khi dân số già hóa với nhiều lao động lớn tuổi thì gánh nặng (onus) sẽ nhiều hơn lợi thế (bonus). Nghiên cứu của chúng tôi với số liệu của Việt Nam cũng đã cho thấy lao động cao tuổi không lấy mất việc của lao động trẻ. Cái cốt lõi là có tăng trưởng kinh tế thì tạo việc làm cho cả hai nhóm dân số này; bằng không, cả hai nhóm đều khó có việc ổn định.
Thách thức cho quỹ BHXH
ĐS&PL: Theo số liệu Bảo hiểm Xã hội, 5 năm qua, hơn 3,7 triệu lao động đã rời khỏi lưới an sinh bằng cách chọn rút BHXH một lần. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
PGS.TS Giang Thanh Long: Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước, kể cả các nước phát triển, khi đối mặt với suy giảm hoặc suy thoái kinh tế sẽ xuất hiện làn sóng NLĐ rút BHXH. Phần lớn đây là những người có thu nhập thấp và ít nguồn thu nhập thay thế (như tiết kiệm, đầu tư...).
Ngoài ra, NLĐ rút BHXH một lần thường dùng cho chi tiêu trước mắt (như sửa nhà cửa, chi tiền học cho con cái, chữa bệnh... chứ ít người có đủ để đầu tư "ra tấm ra món" cho dòng tiền về lâu dài.
Việc rút BHXH một lần sẽ tạo ra thách thức cho bản thân NLĐ và hệ thống BHXH nói riêng và ASXH nói chung. Với NLĐ, họ không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn khác như ốm đau, thai sản... và chế độ dài hạn là hưu trí, tử tuất. Trong tương lai, với nhiều rủi ro về sức khỏe, thu nhập... họ có thể trở thành NCT nghèo như nhiều nghiên cứu cho các nước châu Âu đã chỉ ra và họ lại quay về hệ thống ASXH để hưởng trợ cấp với mức thấp hơn nhiều mức hưởng hưu trí.
Với hệ thống BHXH hoạt động trên cơ sở chia sẻ rủi ro nên việc rút ồ ạt sẽ làm mất cân đối quỹ và về lâu dài thì người hưởng trợ cấp sẽ "lấn át" người hưởng hưu - một cơ cấu bất cân đối và không đúng quan điểm của ASXH bền vững.
Khi không tham gia BHXH, những cú sốc tương tự như Covid-19 có thể xảy ra trong tương lai sẽ là thách thức lớn với nhóm lao động phi chính thức.
ĐS&PL: Nhiều ý kiến nhận định việc rút BHXH một lần là "đem tuổi già ra tiêu xài". Chúng ta nên nhìn nhận việc này thế nào, thưa ông?
PGS.TS Giang Thanh Long: Như đã nêu trên, những người phải rút BHXH một lần đều là "cực chẳng đã" mới phải làm vậy vì họ hầu như ít nguồn thu nhập thay thế hoặc cũng có thể đã kiệt quệ cả nguồn thay thế nên buộc phải dựa vào khoản này. Cũng đã thảo luận ở trên, đây là thách thức lớn cho NLĐ trong tương lai vì thường khoản rút một lần này có giá trị không đủ lớn để đầu tư có quy mô, trong khi với NLĐ cần thu nhập trước mắt thì phần lớn sẽ dùng để giải quyết nhu cầu tiêu dùng cấp thiết chứ không có đủ cho tương lai.
Đúng như Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát biểu trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, hiện tượng rút BHXH một lần đòi hỏi phải cải thiện một cách cơ bản thu nhập của họ vì có đủ ăn thì mới lo BHXH cho tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy một nhóm lao động lớn nhưng có tỉ lệ tham gia BHXH còn thấp là lao động phi chính thức bằng cách bổ sung các chế độ ngắn hạn, thiết thực vào các chế độ của BHXH tự nguyện (mà hiện mới chỉ có chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất).
ĐS&PL: Theo ông, Nhà nước cần thêm giải pháp gì để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của BHXH với đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi?
PGS.TS Giang Thanh Long: NCT cần phải được phân biệt rõ ràng là NCT hiện nay và NCT trong tương lai. Với NCT hiện nay thì cần tiếp tục cải thiện thu nhập từ hưu trí cũng như điều chỉnh mức hưởng trợ cấp cho phù hợp với mức sống. Còn với NCT trong tương lai - tức là người trong độ tuổi lao động hiện nay - cần có chính sách khuyến khích họ tham gia BHXH, BHYT đầy đủ, lâu dài để đảm bảo về thu nhập thường xuyên cũng như trang trải các chi phí liên quan tới chăm sóc sức khỏe khi về già.
ĐS&PL: Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê, hiện có hơn 40% người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng, phải sống dựa vào con cái hoặc tiếp tục mưu sinh. Lượng người lao động từ miền Nam về quê trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua lên đến hơn 2,2 triệu người. Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 xuất hiện được ví như một cú sốc vào hệ thống an sinh xã hội (ASXH) cho người lao động nói chung và người cao tuổi nói riêng. Khả năng bào mòn của đại dịch thể hiện rõ hơn với những người không có lương hưu, trợ cấp, nguồn tích lũy hạn chế. |
Nguồn: Trần Thu Thảo/doisongphapluat.com