Đấu giá đất nhằm tạo sự bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạn chế cơ chế xin cho và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều vụ đấu giá cao rồi bỏ cọc dễ gây nhiễu loạn thị trường. Vậy cần giải pháp cụ thể nào để phát huy hiệu quả công cụ đấu giá quyền sử dụng đất.
Rầm rộ bỏ cọc
Thời gian gần đây, liên tục các cuộc đấu giá đất cao rồi bỏ cọc đã đặt ra nhiều dấu hỏi lớn. Cụ thể, ngay trước thời điểm đón chào năm mới 2022, Trung tâm quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) đã phải hủy bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cụ thể: Dự án đấu giá thôn Ngự Tiền (xã Thanh Lâm) 10 thửa; dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng) 5 thửa; dự án tại điểm X3 (xã Tam Đồng) cũng có trường hợp bỏ cọc… Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc trên địa bàn huyện khoảng 60 tỉ đồng.
Những lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Ảnh Duy Quang.
Mới đây nhất, 4 thửa đất tại Khu X4, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cũng đã bị người trúng đấu giá bỏ cọc sau khi "đẩy" giá lên gần 400 triệu/m2 (2 - 2,6 lần so với giá khởi điểm). 4 lô trên nằm trong số 25 lô đấu giá tại khu X4 do Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hồi cuối năm 2021. Nếu không xảy ra bỏ cọc thì ngân sách sẽ thu về 250 tỉ đồng.
Một lô đất tại phố Dương Khuê, phường Dịch Vọng được đấu giá gần 400 triệu/m2. Ảnh Cao Nguyên.
Nổi cộm nhất là vụ đấu giá các lô đất “vàng” tại Thủ Thiêm, TPHCM, diễn ra cách đây gần 3 tháng với những diễn biến bất thường khiến dư luận quan tâm và buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, năm 2021, đã thực hiện đấu giá khoảng 10.880/12.800 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch. Thu tiền sử dụng đất 11.055 tỉ đồng/20.700 tỉ đồng, chỉ đạt 53,4% theo kế hoạch.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mục đích tối hậu của việc đấu giá là tìm ra nhà đầu tư nghiêm túc nhất trong những nhà đầu tư nghiêm túc. Đất được giao hoặc được cho thuê thông qua đấu giá để được sử dụng, khai thác một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, với tình trạng rầm rộ đấu giá đất cao rồi bỏ cọc khiến nhiều lo ngại như dễ "thất thu" ngân sách. Cùng với đó là ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đô thị, ổn định đời sống dân cư và rối loạn thị trường bất động sản của địa phương.
Nhà đầu tư phải có trách nhiệm với xã hội
Trước tình trạng này, gần đây, cơ quan quản lý đã vào cuộc. Bên cạnh đó, đã có nhiều ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, phát huy hiệu quả công cụ đấu giá quyền sử dụng đất.
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói, rõ ràng để tránh những hệ lụy trên, có 2 điều phải làm: Không thể chỉ chăm chăm vào Luật Đất đai và Luật Đầu tư mà cần sửa đổi đồng bộ, mục tiêu là làm thế nào để nâng cao giá trị sử dụng mảnh đất đó thay vì chỉ nhìn vào mặt tài chính, vượt qua các giá trị về mặt tài chính, mục tiêu thu về là phải tối đa.
Theo ông Hiếu, vấn đề này cần phải sửa toàn diện các luật có liên quan, đảm bảo giá phản ánh đúng thị trường. Quan trọng nhất ở đây là phải sửa đổi luật liên quan đến quá trình đấu giá, chọn ứng viên tốt nhất. “Chỉ luật pháp thôi là không đủ, cần thúc đẩy môi trường, hành vi kinh doanh văn minh, đảm bảo tính trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội”, vị này nói và nhấn mạnh rằng, cần xử lý vấn đề này để đảm bảo không có hành vi trục lợi. Thời gian tới phải rà soát tổng thể cùng các luật có liên quan.
Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội, đất đai chính là nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước. Nếu không sớm tìm ra cơ chế thích hợp để tận dụng, thì sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu.
Ông Tuyến nói rằng, đấu giá quyền sử dụng không có lỗi mà lỗi là do cơ chế chính sách, cũng như cách thực hiện. Chế tài cần nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp bỏ cọc, không nên để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, coi đấu giá là trò chơi để đánh bóng tên tuổi. Đặc biệt, cần yêu cầu các nhà đầu tư phải có trách nhiệm với xã hội cũng như tính bền vững của thị trường./.
Nguồn: Cao Nguyên/laodong.vn