Lãi suất sẽ giảm từ quý II/2023?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Lãi suất sẽ giảm từ quý II/2023?

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét rất thận trọng, hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát.

Tại Tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 27/12/2022, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam, có 9% doanh nghiệp tăng đơn hàng; 68% doanh nghiệp giảm đơn hàng; 23% chưa biết được tình hình sản xuất thời gian tới.

Với số liệu trên, theo ông Thành, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài ít nhất tới hết quý I/2023. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lên kế hoạch sản xuất, sử dụng lao động.

Ở góc độ chuyên gia, TS.Đinh Thế Hiển dự báo, năm tới, lãi suất hạ nhiệt trong quý I/2023, trở về ổn định vào cuối quý tiếp sau. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi; xuất khẩu tuy còn suy giảm trong 2 quý đầu năm 2023 nhưng sẽ phục hồi tăng vào quý III/2023.

Dựa trên phân tích số liệu, ông Trần Ngọc Báu - CEO Công ty Dữ liệu WiGroup chung quan điểm, lãi suất từ quý II/2023 bắt đầu giảm, lạm phát cao những tháng đầu năm nhưng giảm dần, thanh khoản tốt hơn ở những tháng cuối năm 2023.

Đề cập tới vấn đề lãi suất tại họp báo sáng cùng ngày, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, xu hướng lãi suất sẽ rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Ngành ngân hàng sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và đây là nỗ lực rất lớn trong thời gian tới.

Ông Quang thông tin, tuy lạm phát cơ bản của Việt Nam trong tháng 1/2022 so với tháng 1/2021 chỉ tăng 0,66% nhưng lại tăng liên tục, nhanh, mạnh. Đến tháng 11/2022, lạm phát đã lên mức 4,52%, dự báo lạm phát cơ bản tháng 12/2022 trên 5,2%. 

“Lạm phát 'lậu' đáng quan ngại. Đây là mức lạm phát cơ bản tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, sức ép lạm phát năm 2023 rất lớn”, ông Quang nói.

Không dừng ở đó, nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng độ mở rất lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến năm 2022 đạt khoảng 730 tỷ USD (tương đương 190% GDP), khi nền kinh tế có độ mở lớn như vậy, áp lực lạm phát nhập khẩu và áp lực lên mặt bằng tỷ giá năm 2023 kéo theo. Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 cũng sẽ được NHNN xem xét rất thận trọng, hỗ trợ cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang tại họp báo sáng 27/12. (Ảnh: NHNN)

Cũng theo ông Quang, Việt Nam được World Bank, IMF hay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế luôn cảnh báo về mức độ rủi ro, an toàn của hoạt động ngân hàng thông qua chỉ tiêu về độ sâu tài chính, như chỉ số Tổng dư nợ tín dụng/GDP.

Hiện, tỷ lệ đòn bảy tài chính của Việt Nam là một trong những nước cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình-thấp, theo báo cáo của World Bank. Tỷ lệ này là khoảng 124%. Như vậy, với tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6-7%/năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP, rõ ràng, tỷ lệ đòn bảy tín dụng/GDP còn tăng, tạo áp lực, rủi ro an toàn hệ thống. Trái lại, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng chưa thực sự đáp ứng chuẩn quốc tế, Vụ trưởng Quang phân tích.

“Ngân hàng nhà nước điều hành hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời, phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu không kiểm soát”, ông thông tin thêm./.

Nguồn: Trần Chung/vietnamnet.vn