Không tiếc tay “rải tiền” hối lộ quan chức, “bà trùm” xăng dầu vẫn “nợ như chúa chổm”

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Không tiếc tay “rải tiền” hối lộ quan chức, “bà trùm” xăng dầu vẫn “nợ như chúa chổm”

Cơ quan điều tra xác định, các công ty của "bà trùm" xăng dầu Mai Thị Hồng Hạnh đang có dư nợ xấu là hơn 6.178 tỷ đồng.

Dư nợ xấu ngân hàng hơn 6.178 tỷ đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil là chủ sở hữu Công ty Xuyên Việt Oil. Năm 2015, công ty này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tháng 12/2021, vốn điều lệ của công ty tăng lên 3.000 tỷ đồng. Năm 2023, công ty có 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 9 công ty liên quan đều do bị can Hạnh thành lập hoặc mua lại cổ phần của một số doanh nghiệp.

Theo quy định, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng, gây tác động xấu đến môi trường, trong đó có hàng hóa là xăng, dầu. Người chịu thuế là người tiêu dùng, số tiền thuế được tính vào giá bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ và đã đưa cho người bán hàng khi mua hàng để người bán hàng thay người mua hàng nộp vào ngân sách nhà nước theo định kỳ hằng tháng. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm quản lý và thay người tiêu dùng nộp khoản tiền thuế này vào ngân sách nhà nước theo định kỳ (chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày nộp tờ khai).

Bị can Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và Nguyễn Thị Như Phương (phải). (Ảnh: Bộ Công an)

Bị can Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và Nguyễn Thị Như Phương (phải). (Ảnh: Bộ Công an)

Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 10/2021 - 7/2022, dù đã thu hộ Nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường là hơn 1.244 tỷ đồng, nhưng bà Mai Thị Hồng Hạnh đã không thực hiện và cũng không chỉ đạo nhân viên nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước theo quy định. Bà Hạnh chuyển tiền từ tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil sang các tài khoản cá nhân của mình và sử dụng vào mục đích cá nhân khác, gây thất thoát số tiền nêu trên.

Bà Hạnh không còn khả năng tài chính để chuyển tiền nộp thuế đã thu hộ vào ngân sách nhà nước. Do vậy, có căn cứ xác định, số tiền thuế bảo vệ môi trường mà bà Hạnh thu hộ cho Nhà nước đã bị dịch chuyển khỏi tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil để hình thành tài sản đứng tên bà Hạnh hoặc nữ đại gia này đã dùng tiền vào mục đích cá nhân khác (mua bất động sản đứng tên cá nhân để đầu tư, cho bạn bè vay mượn, đưa hối lộ…). Cáo buộc chỉ ra rằng, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần, tổng số hơn 31 tỷ đồng.

CQĐT xác định, các công ty của bà Hạnh đang có dư nợ xấu là hơn 6.178 tỷ đồng. Riêng Công ty Xuyên Việt Oil đang nợ hơn 5.907 tỷ đồng tại các ngân hàng, trong đó nợ Ngân hàng BIDV hơn 1.365 tỷ đồng, Vietinbank hơn 1.603 tỷ đồng...

Đối với các dấu hiệu sai phạm liên quan đến khoản vay của Công ty Xuyên Việt Oil tại Vietinbank chi nhánh Bến Tre và dấu hiệu sai phạm liên quan đến các khoản vay của Công ty Xuyên Việt Oil tại Vietinbank và 3 ngân hàng khác, đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn chưa có kết luận định giá tài sản liên quan các khoản vay.

Do đó, ngày 30/8/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tách hành vi, tài liệu về vấn đề này để tiếp tục điều tra, làm rõ theo thông báo thụ lý, phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm. Hiện nay, trong 17 tài khoản tại 8 ngân hàng của bà Hạnh và 19 tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil tại 5 ngân hàng chỉ còn hơn 4 tỷ đồng và hơn 244 USD. 

Chưa khắc phục thiệt hại

Đối với bị can Mai Thị Hồng Hạnh, cáo trạng nêu hành vi sai phạm của bà này gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bà Hạnh chưa khắc phục toàn bộ số tiền gây thất thoát này.

Cơ quan điều tra đã thu giữ của Mai Thị Hồng Hạnh 26 thiết bị máy tính (17 laptop, 2 macbook, 1 máy tính bảng, 2 điện thoại, 4CPU máy vi tính); 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, phong tỏa 36 tài khoản ngân hàng của Hạnh, Công ty Xuyên Việt Oil; kê biên tài sản 11 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở; tạm dừng giao dịch hơn 80 Quyền sử dụng đất của Hạnh cùng bị can Nguyễn Thị Như Phương, Tuấn Kiệt, Công ty Xuyên Việt Oil...

Một cây xăng của Xuyên Việt Oil tại TP.HCM.

Một cây xăng của Xuyên Việt Oil tại TP.HCM.

Cũng theo hồ sơ, cơ quan tố tụng chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội trong vụ án trên. Một là, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không được quản lý tập trung mà được để tại doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh và giao doanh nghiệp tự quản lý.  Hai là, công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu dù quan trọng nhưng được giao cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thu hộ.  Ba là, cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm. Bốn là, vì động cơ vụ lợi nên nhiều cán bộ, lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức, lối sống đã lợi dụng việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để trục lợi./.

Nguồn: Khánh Ngân/doisongphapluat.com.vn