Không còn bị 'siết,' ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Không còn bị 'siết,' ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt

 

Các ngân hàng bắt đầu có thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội cổ đông thường niên 2023 và nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức ở mức cao.

Sau nhiều năm “ngóng chờ,” cổ đông một số ngân hàng sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Đây cũng là một mùa cổ tức đáng nhớ của nhiều ngân hàng khi hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt được tái triển khai sau nhiều năm tạm dừng.

Qua thời “nhịn” cổ tức tiền mặt

Khác với 3 năm trước, khi dịch COVID-19 hoành hành, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu, thì năm nay không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao.

Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường... Đây là điều kiện để ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Chính vì vậy, sau khi được “mở đường” một loat ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì chỉ cổ phiếu như những năm trước.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm tạm dừng. (Ảnh: Vietnam+)

Hội đồng quản trị TPBank vừa có thông báo ngày 21/3/2023 ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Ngày thanh toán là 3/4/2023, nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng). Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng này sẽ chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức. Đến thời điểm này TPBank được cho là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều nhất.

Cùng với TPBank, Hội đồng quản trị VIB cũng đã quyết định chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ hơn 35%, bao gồm bằng tiền mặt và cổ phiếu, tổng giá trị hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022 trong đó, lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế 3 quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng. Trong năm 2022, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021.

Lãnh đạo VIB cho biết, liên tục trong 3 năm qua, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VIB đã không chi cổ tức bằng tiền mặt, chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do vậy, việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 sẽ đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các cổ đông ngân hàng.

Tương tự, ACB có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25% trong đó, dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Trong năm 2022, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.114 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2021.

Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%.

Còn tại VPBank, cuối buổi đại hội cổ đông 2022, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Ông Dũng cho biết với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.

Là một nhà đầu tư “ôm” nhiều cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2022 đến nay, ông Nguyễn Trọng Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay giá cổ phiếu ngành này giảm mạnh nên ông rất trông chờ vào cổ tức bằng tiền mặt.

Hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt bắt đầu bị Ngân hàng Nhà nước thắt chặt từ năm 2020 nhằm dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là dành cho các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Vẫn còn những cổ đông mong chỉ mơ có được cổ phiếu

Tuy nhiên, bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt, không ít ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ. Chẳng hạn Hội đồng quản trị Eximbank vừa thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên sau gần 10 năm, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.

Theo đó, cổ đông Eximbank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận 20 cổ phiếu mới. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Với hơn 1.229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Vào kỳ đại hội đồng thường niên năm 2021, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank là ông Yasuhiro Saitohcho thông tin năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC. Sau đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% trong năm 2023 này, vốn điều lệ của Eximbank lên 14.814 tỷ đồng.

Cổ tức cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều ở mỗi kỳ đại hội cổ đông của ngân hàng Sacombank. Lãnh đạo ngân hàng này nhiều lần cho biết vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông, nhưng việc chia cổ tức ở một ngân hàng đang tái cấu trúc cần cần được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo Sacombank cho biết chậm nhất đến năm 2023 sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.

Thực tế, trong những năm qua, Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (Southern) nên chưa được phép chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng này diễn ra vào năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Ông Nguyễn Văn Hà (Quận Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh) là cổ đông trung thành của Sacombank từ năm 2019 đến nay cho biết: "Mơ ước lớn nhất của cổ đông là được chia cổ tức, nhưng theo Đề án tái cấu trúc 5 năm, đến nay "chặng đường này" đã sắp kết thúc, nếu được chia cổ tức sớm chúng tôi sẽ rất vui."

Trong khi đó một cổ đông của Techcombank cho biết chưa thấy được mời đến tham dự Đại hội đồng cổ đông nên cũng chưa biết có được chia cổ tức hay không. Tuy nhiên, cổ đông này mong muốn được nhận cổ tức trong năm nay vì đã 11 năm ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và 4 liên tiếp không chia cổ tức.

“Theo năm tháng, ngân hàng lớn mạnh hay ốm yếu, tôi đều đồng hành, nhưng nhiều năm qua không nhận được đồng cổ tức nào, trong khi nhiều ngân hàng khác chia ở mức cao,” cổ đông trên của Techcombank nói.

Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm 2022 vừa qua, rất nhiều lãnh đạo ngân hàng đã phải đau đầu với câu hỏi chất vấn của các cổ đông liên quan đến vấn đề vì sao lợi nhuận cao nhưng vẫn không chia cổ tức cho cổ đông. Hy vọng mùa đại hội năm nay nhiều cổ đông sẽ được thỏa mãn mong đợi./.

Nguồn: Thúy Hà/vietnamplus.vn