Khốn khổ sau khi bị Facebook khóa tài khoản

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Khốn khổ sau khi bị Facebook khóa tài khoản

Facebook, Messenger là công cụ kiếm tiền, liên lạc của nhiều người. Nhóm này bị tác động khi Meta khóa tài khoản hoặc nền tảng gặp sự cố.

Sau khi bị Facebook khóa tài khoản, ông C.K, ngụ quận 7, TP.HCM dùng mọi mối quan hệ mình có để tìm cách mở lại. Hết cách, người này phải cân nhắc thuê dịch vụ bên ngoài. Mức giá được báo lên đến 28 triệu đồng để khôi phục một tài khoản mạng xã hội.

“Tài khoản này được lập từ 2009, có hình ảnh, video của tôi trong nhiều năm. Tôi thấy tiếc nhiều mối quan hệ từng xây dựng, có những bạn bè ở nước ngoài, người đã đã qua đời, không có kênh khác để kết nối lại. Vậy nên không thể nói bỏ, lập tài khoản mới là được”, ông K. nói.

Những trường hợp như người dùng nói trên không phải hiếm. Dịch vụ hỗ trợ Facebook tại Việt Nam mọc lên như nấm, vẫn đắt hàng nhờ sự phụ thuộc của khách hàng vào nền tảng.

Mất Facebook, bị khóa Messenger khiến nhiều người gặp vấn đề. Ảnh: WindowsReport.

Phụ thuộc vào Facebook

Tối ngày 16/4, ông Phạm Anh bất ngờ bị Facebook thông báo chặn nhắn tin khi đang trò chuyện với bạn qua ứng dụng. “Nội dung tôi gửi đi đảm bảo văn minh, không có hình ảnh, ngôn từ gì quá đáng. Facebook chẳng cảnh báo trước, cứ thế chặn tôi gửi tin đi trong 30 ngày”, ông Anh kể lại.

Người dùng mất nhiều liên hệ khi bị khóa Messenger. Ảnh: K.A.

Đáng nói, người dùng này chuẩn bị khai trương cửa hàng, cần gửi thư mời đến đối tác. Việc bị khóa tin nhắn khiến quá trình liên lạc trở nên khó khăn. “Đa phần mối quan hệ của tôi đều được giữ qua mạng xã hội, không có phương án đề phòng. Giờ bị chặn chat, tôi phải mò lên trang Facebook từng người để bình luận, để lại số điện thoại chờ liên lạc”, ông Phạm Anh chia sẻ.

Người dùng này cho biết sẽ lấy vụ việc trên làm bài học, đa dạng thêm kênh liên lạc, tránh rơi vào tình trạng mất kết nối chỉ vì một ứng dụng gặp vấn đề.

Ông Trần Long Tiến vừa mở một cửa hàng PC với quy mô nhỏ ở quận 10, TP.HCM. Là một đại lý mới, vốn ít, người này chọn bán hàng chủ yếu theo hình thức trực tuyến, dựa vào mạng xã hội.

“Tôi chủ yếu chạy quảng cáo, đăng sản phẩm lên trang Facebook cửa hàng, rồi chờ khách nhắn tin để bán. Vài ngày gần đây, tính năng trả lời tin nhắn trên fanpage của Facebook liên tục trục trặc. Khách nhắn hỏi, nhưng tôi không thể bấm trả lời”, ông Tiến kể lại.

Theo đó, việc không phản hồi được người dùng nhanh chóng làm tăng thời gian trả lời, vốn được hiển thị ở đầu trang. Điều này còn khiến chất lượng dịch vụ đi xuống, cửa hàng mất khách.

Fanpage bán hàng bị Facebook vô hiệu hóa gần đây. Ảnh: Nhật Huy.

“Sau vụ này, chúng tôi cố gắng sớm hoàn thiện website để bớt phụ thuộc vào Facebook. Ngoài ra, việc mở rộng hệ thống liên lạc, tương tác với khách hàng cũng cần thiết”, ông Long Tiến cho biết.

Những vấn đề khác cũng xuất hiện trên nhiều trang bán hàng gần đây. Đầu tháng 4, loạt fanpage tại Việt Nam bị Facebook đưa về trạng thái hủy đăng. Toàn bộ nội dung vẫn còn, nhưng chỉ chủ trang nhìn thấy. Với người dùng bình thường, fanpage đó đã biến mất.

Việc này gây khó khăn cho nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, vốn phụ thuộc vào hình thức bán hàng, tiếp cận đối tượng tiềm năng qua mạng xã hội.

Chi tiền cứu tài khoản

Trao đổi với Zing, ông Mai Thanh Phú, chuyên gia marketing trực tuyến, có nhiều năm làm dịch vụ Facebook, cho biết giá các dịch vụ mở tài khoản cá nhân, fanpage bán hàng hiện ở mức cao, lên đến hàng chục triệu đồng.

“Đa số khách sẽ từ chối khi nghe báo giá quá cao, so với mức chi trả hoặc tầm quan trọng của tài khoản. Nhưng vẫn có một số ít, với tôi là khoảng 5%, người dùng sẵn sàng thuê dịch vụ”, ông Phú nói.

Phụ thuộc vào nền tảng "bất ổn" như Facebook, Messenger, người dùng có thể gặp nhiều vấn đề. Ảnh: Xuân Sang.

Theo vị này, tài khoản Facebook đóng vai trò quan trọng trong công việc, quan hệ xã hội của nhiều người. “Với họ, trang Facebook còn là nơi để kiếm tiền, không thể để mất”, ông Mai Thanh Phú bày tỏ quan điểm. Ngoài ra, người kinh doanh cũng tính toán giữa việc tạo một tài khoản mới, thu hút người theo dõi, chạy quảng cáo, so với tiền cứu trang bị mất.

Những biến động gần đây khiến người dùng, nhãn hàng có góc nhìn mới về mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Trong đó, có người tìm đến phương án hạn chế phụ thuộc vào Facebook.

“Có nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng thương hiệu của họ đang ‘cai nghiện’ Facebook Ads. Theo quan sát cá nhân, chi phí đầu tư cho quảng cáo Facebook của các đối tác đang có xu hướng giảm trong một năm qua, biên độ 10-20%”, ông Hồ Đông Thụ, Giám đốc Điều hành công ty quảng cáo số Digital Think, cho biết.

Ông Văn Đức Sơn Hà, giảng viên ngành Thương Mại Điện Tử, trường ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM, Giám đốc công ty truyền thông APPNET, cho rằng sau những khủng hoảng rò rỉ dữ liệu gần đây, Google, Apple thận trọng hơn đối với những thông tin Facebook có thể khai thác. Theo đó, các nền tảng quảng cáo dựa trên dữ liệu người dùng như Facebook sẽ gặp khó khăn để tiếp cận khách hàng mục tiêu./.

Nguồn: Xuân Sang/zingnews.vn