Tại tỉnh Đồng Nai, có những doanh nghiệp tuy bị giảm sâu về đơn hàng, nhưng doanh nghiệp không cắt giảm lao động; mà cố gắng tạo điều kiện cho NLĐ ít việc làm được học tập nâng cao tay nghề, nâng cao kiến thức an toàn lao động, pháp luật lao động…
Nỗ lực giữ chân lao động
Công ty TNHH Cibao (TP.Long Khánh) có khoảng 5.300 lao động, thời gian vừa qua, đơn hàng giảm, đặc biệt là trong quý IV/2022. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã thương lượng với Ban giám đốc công ty tìm phương án duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm cho NLĐ. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, cho biết: “Phương châm của doanh nghiệp là vẫn nỗ lực giữ chân lao động chứ không cắt giảm. Về chế độ phúc lợi, Công đoàn vẫn duy trì các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để NLĐ yên tâm làm việc và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp”.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH Gỗ Tân Dương (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) - DN có khoảng 300 công nhân, hiện đơn hàng giảm hơn 50% so với năm ngoái, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì không cắt giảm lao động.
Công ty TNHH Changshin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) là doanh nghiệp giày da có khoảng 40.000 NLĐ, cũng trong tình trạng khó khăn về đơn hàng, nhưng bằng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, doanh nghiệp này vẫn không cắt giảm lao động, giữ mức thu nhập của NLĐ ổn định. Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam - cho biết: Hiện nay là thời điểm khó khăn với công ty giày da do đơn hàng giảm. Tuy nhiên, công ty và công đoàn liên tục có các cuộc họp bàn giải pháp để cùng nhau vượt qua khó khăn. “Đến thời điểm này, tôi khẳng định NLĐ có thể bị giảm giờ làm việc, nhưng thu nhập chưa giảm. Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm nhiều cuộc họp để tìm kiếm giải pháp giảm bớt khó khăn này” - ông Tú khẳng định.
Công ty CP TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP.Biên Hòa) có khoảng 35.000 lao động, chuyên gia công giày da, để không cắt giảm lao động, mỗi tháng doanh nghiệp này phải chấp nhận giảm bớt 2-3 ngày làm việc của NLĐ/tháng, trong đó sẽ có 1 ngày nghỉ phép năm, những ngày còn lại doanh nghiệp sẽ trả lương tối thiểu vùng cho người lao động. Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Công ty CP TKG Taekwang Vina cũng cho biết, thu nhập của NLĐ tại công ty ổn định và không bị sụt giảm nhiều; các khoản phụ cấp, bảo hiểm của NLĐ đều được đóng đầy đủ.
Người lao động Công ty TNHH Cibao tham gia các hoạt động do nhà máy tổ chức trong thời gian ít việc. Ảnh: Hà Anh Chiến
Tận dụng thời gian ít việc để nâng cao trình độ công nhân
Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có khoảng 25.000 lao động. Thời gian qua, do khó khăn về đơn hàng, doanh nghiệp đã tìm các đơn hàng gia công từ các công ty nhỏ để người lao động có việc làm, nhờ đó phần lớn người lao động tại công ty vẫn có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, công ty cũng có một xưởng sản xuất đồ dùng gia dụng với khoảng 5.000 công nhân gặp khó về đơn hàng, phải nghỉ sản xuất gần 2 tháng. Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám đốc công ty thương lượng với người lao động để họ tiếp tục vào nhà máy mỗi ngày, làm các công việc khác như vệ sinh nhà xưởng, tham gia các buổi tuyên truyền về pháp luật lao động, tham gia các cuộc thi thể dục thể thao, thi kiến thức pháp luật… và hưởng lương đầy đủ.
Ông Hồ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cũng cho rằng, các Công đoàn cơ sở cần tiếp tục thương lượng cố gắng giữ chân lực lượng NLĐ có tay nghề để khi có đơn hàng trở lại, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Đồng thời, tuỳ điều kiện tổ chức các hoạt động phong phú tạo sân chơi cho công nhân không có điều kiện về quê do năm nay nhiều doanh nghiệp dự tính cho NLĐ nghỉ Tết thời gian dài và sẽ có những người không về quê mà đón Tết xa quê…/.
Nguồn: Hà Anh Chiến/laodong.vn