Bài báo của The New York Times kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden nên rút lui khỏi cuộc tranh cử năm nay được so sánh với tác phẩm báo chí chấn động nước Mỹ sau chiến dịch Tết Mậu thân 1968.
Sau buổi tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa ứng viên lưỡng đảng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay do Đài CNN tổ chức hôm 28.6 (giờ VN), Hội đồng biên tập The New York Times đăng bài xã luận có tựa đề: "Để phụng sự quốc gia này, Tổng thống Biden nên rời đường đua".
Trong bài viết, Hội đồng biên tập của The New York Times, tờ báo uy tín và ảnh hưởng bậc nhất tại Mỹ, chỉ ra rằng ông Biden đã chứng minh là người tốt nhất để đánh bại mối đe dọa đối với nền dân chủ khi thắng cử vào năm 2020. Tuy nhiên, "hành động phụng sự nhân dân Mỹ có ý nghĩa nhất mà ông Biden giờ có thể thực hiện là công bố sẽ không tiếp tục tái tranh cử", The New York Times viết.
Khoảnh khắc Cronkite
Theo báo The Guardian, bài viết của The New York Times làm gợi nhớ về thời điểm tháng 2.1968, khi nhà báo - người dẫn chương trình nổi tiếng của đài CBS Walter Cronkite, trong chương trình giờ vàng tại Mỹ, công khai đặt dấu hỏi về sự can thiệp quân sự của Mỹ tại miền nam Việt Nam sau chiến dịch tổng tiến công Tết Mậu Thân, khi quân dân miền nam đồng loạt kháng chiến bất ngờ và vùng lên ở nhiều nơi, đặc biệt là tại Sài Gòn.
Ông Cronkite là một nhà báo kỳ cựu, nổi tiếng về sự thẳng thắn và từng được giáo sư truyền thông Richard Perloff tại Đại học bang Cleveland ca ngợi là biểu tượng của sự khách quan. Theo tờ The Washington Post, ông Cronkite là người yêu nước và cho đến năm 1968 vẫn tin vào điều mà chính phủ Mỹ nói về Chiến tranh Việt Nam.
Song, như nhiều người Mỹ khác, ông Cronkite hoàn toàn bị sốc về sự kiện Tết Mậu thân. "Chuyện quái gì đang xảy ra vậy? Tôi tưởng chúng ta đang thắng cuộc chiến", ông nói khi bản tin đầu tiên về cuộc tiến công được báo về tòa soạn CBS.
Những hình ảnh giao tranh ngay giữa Sài Gòn, gồm cả tại Tòa đại sứ Mỹ, đã thúc đẩy nhiều người đặt câu hỏi ai mới đang giành chiến thắng thật sự, và ông Cronkite quyết định đích thân sang Việt Nam. Trong chuyến đi, ông đã tận mắt chứng kiến cuộc giao tranh tại Huế và có buổi nói chuyện với cấp phó của tư lệnh Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền nam Việt Nam William Westmoreland, tướng Creighton Abrams.
Nhà báo Walter Cronkite (thứ ba từ phải sang) tác nghiệp tại Huế năm 1968
Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia Mỹ
Ông Cronkite sau đó tóm tắt chuyến công tác Việt Nam bằng phóng sự đặc biệt về cuộc chiến tranh, được CBS phát sóng vào tối 27.2.1968 làm chấn động cả nước Mỹ. "Để nói rằng chúng ta đang sa lầy trong bế tắc dường như là kết luận thực tế duy nhất... Điều ngày càng rõ ràng với phóng viên đó là lối thoát hợp lý duy nhất sẽ là thương lượng, không phải như những người chiến thắng...".
Bình luận của ông Cronkite gây sốc cho nước Mỹ. Trái ngược với hình ảnh một nhà báo trước đó chưa từng công khai quan điểm về cuộc chiến, phóng sự nói trên được ông thừa nhận là mang tính "chủ quan", là ý kiến của ông.
Tổng thống Lyndon Johnson, khi đó đang chạy đua tái tranh cử, được cho là đã thất vọng về phóng sự của ông Cronkite, nói rằng: "Nếu tôi mất Cronkite, tôi đã mất Trung Mỹ (nguyên văn: Middle America)". Middle America là thuật ngữ mô tả khu vực ở trung tâm nước Mỹ, với dân số chủ yếu là tầng lớp trung lưu và có quan điểm chính trị-tôn giáo truyền thống.
Việc ông Johnson có nói câu nói đó hay không là điều vẫn còn bàn cãi. Song, chiến dịch Tết Mậu Thân và báo cáo của ông Cronkite đã gây ra hiệu ứng domino chính trị. Ứng viên tổng thống Eugene McCarthy của đảng Dân chủ, người phản đối chiến tranh Việt Nam, nhanh chóng nổi lên trong cuộc tranh cử. Ông Robert Kennedy, em trai của cố Tổng thống John Kennedy, lần đầu chỉ trích việc chính quyền che giấu tình hình thật sự về Việt Nam và sau đó tham gia cuộc đua tổng thống.
Ngày 31.3.1968, Tổng thống Johnson tuyên bố dừng tranh cử khi nói: "Tôi sẽ không tranh đua và sẽ không nhận sự đề cử của đảng mình cho một nhiệm kỳ nữa trên cương vị tổng thống của các bạn". Một phần lý do được ông nêu ra là vì vấn đề sức khỏe.
Những phản ứng trái chiều
Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill chào người ủng hộ tại sự kiện ở bang Bắc Carolina hôm 28.6 - REUTERS
Theo The Washington Post, ông Cronkite đã đưa tâm lý phản chiến trở thành phong trào chính thống. Sự can thiệp của Mỹ tại miền nam Việt Nam không còn được các phóng viên miêu tả là cuộc chiến "của chúng ta" nữa. Truyền thông dần tách biệt khỏi chương trình nghị sự của chính phủ.
Ngày nay, "khoảnh khắc Cronkite" được cho là không còn nữa bởi sự phân mảnh của hệ sinh thái tin tức. Vai trò của những người dẫn chương trình tin tức cũng như của các tờ báo ngày càng giảm sút. Song, bài xã luận của The New York Times, tờ báo uy tín có từ năm 1851, lặp lại những chỉ trích gay gắt không kém từ những nguồn có trọng lượng khác, gồm những người được Tổng thống Biden tôn trọng. Nhà báo Thomas Friedman, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như Thế giới phẳng, Từ Beirut đến Jerusalem... và là cây bút bình luận yêu thích của ông Biden, cho biết đã khóc khi chứng kiến cuộc tranh luận qua truyền hình. Báo The Atlantic có thiên hướng chính trị tự do và tiến bộ đăng 6 bài viết trong ngày 28.6 và toàn bộ đều nhằm biện luận cho việc ông Biden nên rút lui.
Tổng thống Biden chưa phản ứng về bài xã luận của The New York Times nhưng trước đó thừa nhận ông "không tranh luận tốt như thường lệ". Dù vậy, nhà lãnh đạo vẫn được nhiều chính trị gia có ảnh hưởng khác ủng hộ như cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân - cựu Ngoại trưởng Hillary, Phó tổng thống Kamala Harris, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thống đốc California Gavin Newsom./.
Nguồn: Vi Trân/thanhnien.vn