Kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, tuyên án sáng 17/10

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, tuyên án sáng 17/10

Sau hơn ba tuần xét xử, Hội đồng xét xử vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ tuyên án đối với 34 bị cáo vào ngày 17/10.

Ngày 11/10, sau ba tuần làm việc, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đã kết thúc phần tranh luận.

HĐXX công bố sẽ tuyên án vào 8h ngày 17/10.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Các cựu lãnh đạo ngân hàng SCB xin giảm nhẹ hình phạt cho Trương Mỹ Lan.

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chia sẻ nhiều về danh tiếng, uy tín và sự nghiệp của mình trong thương trường, đồng thời bày tỏ sự đau buồn khi những biến cố trong cuộc sống và tai nạn nghề nghiệp đã đưa bà vào vòng lao lý. Bà cũng tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho chồng, cháu gái và em dâu.

Bị cáo Trương Huệ Vân, cháu gái của Trương Mỹ Lan, cho biết mình cảm thấy trống rỗng và đau khổ suốt hai năm qua khi chứng kiến cảnh cô mình phải đối mặt với nỗi đau đớn tột cùng. Bị cáo xin Hội đồng xét xử có sự khoan dung và giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo, bao gồm cả cô của mình.

Cựu Tổng Giám đốc SCB, Võ Tấn Hoàng Văn, đã đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Trương Mỹ Lan và những nhân viên cấp dưới có hoàn cảnh khó khăn, chỉ làm công ăn lương. Bị cáo Văn chia sẻ rằng ông đã phải trả giá và gia đình, bao gồm vợ và con, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB, đã chân thành xin lỗi hơn 35.000 người bị hại và nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc gây ra thiệt hại cho các trái chủ. Ông cũng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án, đồng thời gửi lời xin lỗi cuối cùng đến mẹ và gia đình mình.

Cựu Phó Tổng giám đốc SCB, Trần Thị Mỹ Dũng, đã gửi lời xin lỗi sâu sắc đến các bị hại, Ngân hàng SCB và những người đã tin tưởng bà. Bà mong Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát xem xét tình tiết giảm nhẹ để có sự khoan hồng đối với Trương Mỹ Lan, giúp bà Lan có thêm niềm tin và tinh thần vững vàng để khắc phục hậu quả. Bà Dũng cũng đề nghị xem xét vai trò của hai nhân viên cấp dưới là Trần Thị Thúy Ái và Thái Thị Thanh Thảo, cùng những lời bào chữa của luật sư và các bị cáo khác để giảm nhẹ mức án.

Bị cáo Hồ Bửu Phương, gửi lời cảm ơn đến bị hại vì đã xin giảm nhẹ cho bị cáo trong vụ án. Bị cáo cũng quan tâm đến tình hình sức khỏe của bà Trương Mỹ Lan. Tại phiên tòa, bị cáo Lan đã trình bày rất nhiều. Chân thành gửi lời xin lỗi đến các bị hại, mong các bị hại kiên nhẫn chờ để cơ quan chức năng xử lý tài sản để nhận lại tiền và mong bị hại tha thứ.

Bị cáo Thái Thị Thanh Thảo (nguyên giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale, thuộc Ngân hàng SCB, Chi nhánh Sài Gòn) trình bày bị cáo có hai đứa con nhỏ, từ nhỏ đã mồ côi cha, mẹ thì vướng vào vòng lao lý, khi vào trại giam gặp mẹ chỉ biết đứng một góc khóc. Bị cáo một mình vất vả nuôi con, đến thời điểm hiện tại gia đình không còn trọn vẹn, không có kinh tế... Xin có mức án khoan hồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan để bị cáo này còn niềm tin, khắc phục hậu quả cho bị hại.

VKS lý giải vì sao nộp khắc phục 10-20 triệu đồng vẫn được đề nghị giảm hình phạt

Đại diện VKS cũng nói rõ về vấn đề vì sao ba bị cáo Phan Chí Luân, Trần Thị Thúy Ái, Trương Thị Kim Lài dù chỉ nộp bổ sung khắc phục hậu quả 10-20 triệu đồng nhưng được ghi nhận và đề nghị giảm một năm tù. VKS đã đánh giá vị trí, phân hóa vai trò, bối cảnh phạm tội và nhân thân của từng bị cáo. Quá trình xét hỏi tại tòa, các bị cáo này đều có hoàn cảnh khó khăn, số tiền các bị cáo nộp khắc phục không đáng kể so với hậu quả của vụ án nhưng với hoàn cảnh khó khăn, các bị cáo đã thể hiện chung trong việc khắc phục hậu quả. Từ đó, VKS ghi nhận và đề nghị lại mức hình phạt.

Đối với các bị cáo còn lại mới nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, VKS chỉ ghi nhận và HĐXX sẽ xem xét cho các bị cáo, VKS không thay đổi mức đề nghị án.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; nợ xấu kéo dài, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng từ SCB. Khoảng tháng 8-2018, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã họp với 5 nhân vật chủ chốt gồm: Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI) và Hồ Bửu Phương (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Cuộc họp chốt chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB.

Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu. Việc phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân được thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và SCB với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.

4 công ty gồm An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra được sử dụng để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu. Các đối tượng đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty này và các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các cá nhân khác hoặc công ty đối tác.

Việc lập hợp đồng khống nhằm để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu, làm nhà đầu tư tin rằng tiền mua trái phiếu được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời.

Công ty chứng khoán TVSI được lựa chọn là đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu. TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin, đại diện cho 4 công ty phát hành trái phiếu ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng với các trái chủ.

Khi 4 công ty phát hành trái phiếu thì một nhóm các công ty khác đứng ra mua trái phiếu với tư cách trái chủ sơ cấp. Việc thanh toán tiền mua trái phiếu thực chất chỉ là các bút toán khống, hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB. Từ đây, việc tạo lập các gói trái phiếu khống hoàn thành và sau đó được bán cho người dân thông qua TVSI và SCB.

Cáo trạng xác định, với vai trò là Tổng giám đốc điều hành hoạt động chung của Ngân hàng SCB, Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ của SCB và giao cho một phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ phối hợp với Công ty chứng khoán TVSI xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên sale thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn bán trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ra đại chúng.

Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng ngàn trái chủ về tới Công ty TVSI. TVSI sẽ chuyển tiền cho các Công ty trái chủ sơ cấp hoặc các Công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp. Tiếp đó, các công ty này chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần để các cá nhân rút tiền để sử dụng theo các mục đích của Trương Mỹ Lan. Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ. Đến nay còn dư nợ hơn 30 ngàn tỷ đồng của 35.824 trái chủ và không có khả năng thu hồi.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo, đối tượng liên quan tại Tập đoàn và Ngân hàng SCB vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Trương Mỹ Lan cũng được xác định là đã chỉ đạo các đối tượng thành lập nhiều “công ty ma” sử dụng cho các mục đích riêng. Tính đến tháng 10/2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay, báo Công an TP.HCM thông tin.

Thục Hiền (t/h)/doisongphapluat.com