Hơn 87.000 tỷ làm đường Vành đai 4 lấy từ đâu?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hơn 87.000 tỷ làm đường Vành đai 4 lấy từ đâu?

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sau khi được Hà Nội họp bàn tính toán đã giảm còn khoảng 60% tuyến đường trên cao, tổng mức đầu tư hơn 87.000 tỷ.

Dự án đường Vành đai 4 sẽ tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ Vùng Thủ đô, góp phần kết nối các tuyến quốc lộ, cao tốc hướng tâm mà hiện đường Vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã quá tải trầm trọng.

Để huy động nguồn lực, Hà Nội đang cùng với các địa phương đưa ra các phương án, giải pháp kiến nghị Chính phủ, Quốc hội.

Khai thác quỹ đất, kiến nghị phát hành TPCP

Theo UBND TP Hà Nội, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sau khi được Hà Nội họp bàn tính toán kỹ đã giảm còn khoảng 60% tuyến đường đi trên cao, tổng mức đầu tư hơn 87 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 49 nghìn tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác gần 6,3 nghìn tỷ đồng; chi phí GPMB hơn 19,5 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ góp vốn được xác định: Vốn ngân sách Trung ương hơn 29 nghìn tỷ đồng (chiếm 34%); vốn ngân sách địa phương (chiếm 31%), trong đó Hà Nội hơn 22 nghìn tỷ, Hưng Yên hơn 1,5 nghìn tỷ, Bắc Ninh gần 3 nghìn tỷ; Vốn nhà đầu tư hơn 27 nghìn tỷ (32%), lãi vay hơn 2,8 nghìn tỷ đồng.

Căn cứ theo tỷ lệ góp vốn trên, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để huy động nguồn lực thực hiện dự án và cân đối vốn, Hà Nội dự kiến chia dự án làm 3 dự án thành phần.

Theo đó, dự án thành phần số 1 là GPMB, do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương; dự án số 2 xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương; dự án số 3 là đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến theo hình thức PPP (đối tác công - tư).

“Với điều kiện thuận lợi của dự án và sự quan tâm của các nhà đầu tư, có thể khẳng định việc huy động nguồn vốn BOT với khoảng hơn 27 nghìn tỷ là rất khả thi”, ông Tuấn khẳng định và cho rằng, để hoàn vốn dự án PPP, tuyến đường cao tốc Vành đai 4 được triển khai hệ thống thu phí, công nghệ điều hành giám sát thông minh và trạm dừng nghỉ.

Mức phí BOT của tuyến đường được thu theo giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2024 – 2026, xe ô tô dưới 9 chỗ là 1.700 đồng/km; giai đoạn 2027 - 2029 là 1.900 đồng/km. Thời gian thu được đề xuất dài nhất là 21 năm.

Ngoài ra, để tạo nguồn vốn, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh dự kiến còn khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường để lập quy hoạch chi tiết phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, quỹ đất cho mục đích kinh doanh, phát triển nhà ở.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành Trái phiếu Chính phủ cho các địa phương vay. Sau khi có nguồn thu từ các dự án khai thác quỹ đất hai bên đường, dự kiến trong giai đoạn 2026 - 2030 các địa phương cân đối trả nguồn vay.

Mô hình tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô

"Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19km, Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối QL18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2028."

Điều chỉnh nhằm giảm chi phí xây dựng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để kịp báo cáo Chính phủ về nghiên cứu tiền khả thi dự án vào ngày 10/3, Hà Nội đã tổ chức hội thảo, các cuộc họp bàn tham vấn ý kiến của các chuyên gia, ý kiến của các bộ, ngành có liên quan. Qua đó đã điều chỉnh phạm vi, quy mô đầu tư tuyến đường so với ban đầu nhằm giảm chi phí xây dựng.

Theo đó, giảm quy mô GPMB đối với các đoạn không có đường sắt đi song song từ 120m xuống 90m; giảm nút giao dọc tuyến từ 15 nút xuống còn 8 nút giao. Quy mô đầu tư công trình phân kỳ theo mặt cắt ngang được giữ nguyên.

Cụ thể, 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1 bao gồm: Nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; QL 6; Pháp Vân - Cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; QL38 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Dự án cũng có 3 cầu vượt sông, trong đó 2 cầu vượt sông Hồng gồm cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...

Ông Ngô Tân Phượng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo nội dung tại Tờ trình số 02, công tác GPMB tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh được thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch mặt cắt 120m.

Song, sau cuộc họp của Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội ngày 10/2, đơn vị tư vấn đã điều chỉnh phạm vi GPMB tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh với quy mô mặt cắt 90m, nguyên nhân là do xác định không có quy hoạch đường sắt quốc gia trong mặt cắt ngang của tuyến đường Vành đai 4.

Trước sự điều chỉnh trên, ông Phượng đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét GPMB theo quy mô quy hoạch rộng 120m.

Việc này sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Ninh có cơ sở để thực hiện mở rộng mặt cắt các tuyến đường đô thị, đường song hành hai bên tuyến trong tương lai, khi mật độ phương tiện giao thông vượt quá khả năng thông xe cho phép. Đồng thời phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh.

“Đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, giữ nguyên phương án GPMB tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh được thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch rộng 120m”, ông Phượng kiến nghị.

Muốn đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4, thứ nhất cần tách GPMB thành dự án riêng. Khi GPMB xong, bàn giao mặt bằng mới đấu thầu dự án. Thứ hai là áp dụng cơ chế chỉ định thầu, sẽ giúp tiết kiệm 1-2 năm nếu không phải đấu thầu. Thứ ba là cho địa phương linh hoạt các cơ chế GPMB và sử dụng vốn ngân sách.

Chuyên gia giao thông đô thị Phan Trường Thành

Đầu tư đồng bộ, phân luồng từ xa

UBND TP Hà Nội vừa tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học… với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại hội thảo, các nội dung quan trọng đều cơ bản được thống nhất và tư vấn thêm về nhóm cơ chế đặc thù và các vấn đề chính như: Sự cấp thiết đầu tư, về các yếu tố kỹ thuật tuyến đường cũng như các vấn đề về chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng; cơ sở tính toán tổng mức đầu tư, suất đầu tư...

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, đây là những tư vấn quý giá với Hà Nội để dự án có sức thuyết phục, đồng thuận.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng yếu tố quy hoạch, cảnh quan của tuyến đường vành đai 4 rất quan trọng, cần hài hòa với quy hoạch tổng thể, khi dự án tiền khả thi được phê duyệt phải thi tuyển kiến trúc; cũng cần đặt ra điểm nối của Vành đai 4 với sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.

Dự án phải tính đến việc đầu tư đồng bộ, các nút giao để phân luồng từ xa, mang tính kết nối; cần tính đến yêu cầu phát triển hạ tầng dùng chung giữa các đô thị để thúc đẩy quá trình kết nối; trong đó đô thị động lực vùng Hà Nội đóng vai trò quan trọng./.

Nguồn: Lê Tươi/baogiaothong.vn