Mô hình của Viện Khoa học Đánh giá và Đo lường Sức khỏe cho thấy 73% người Mỹ đạt miễn dịch với Omicron nhờ tiêm chủng hay nhiễm trước đó.
Làn sóng Omicron tấn công nước Mỹ vào mùa đông năm nay đã củng cố khả năng phòng thủ trước nCoV của người dân nước này, khiến các đợt bùng phát Covid-19 trong tương lai sẽ ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội hơn, theo nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Đánh giá và Đo lường Sức khỏe tại Đại học Washington ở Seattle, Mỹ.
Hệ thống miễn dịch của hàng triệu người Mỹ đã nhận diện được nCoV và sẵn sàng chống lại nếu Omicron hoặc một biến chủng khác xâm nhập.
Khoảng một nửa số người Mỹ đủ điều kiện đã tiêm mũi tăng cường, nước này cũng đã ghi nhận tổng cộng gần 80 triệu ca nhiễm. Con số thực tế có thể cao hơn, do nhiều ca nhiễm khác chưa bao giờ được báo cáo.
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Đánh giá và Đo lường Sức khỏe đã sử dụng một mô hình kết hợp những điều kiện trên và một số yếu tố khác để ước tính 73% người Mỹ hiện miễn dịch với Omicron, chủng trội khắp toàn cầu hiện nay, và tới giữa tháng 3, tỷ lệ này có thể tăng lên 80%.
Một nam sinh viên tiêm vaccine Covid-19 tăng cường ở Oakland, bang Pennsylvania, hôm 12/1. Ảnh: AP
Điều này sẽ giúp ngăn ngừa hoặc rút ngắn thời gian phát triển triệu chứng ở người đã có miễn dịch và giảm lượng virus lưu hành, ngăn các đợt sóng lây nhiễm mới, giúp hệ thống y tế tránh bị quá tải.
"Chúng ta đang thay đổi", Ali Mokdad, giáo sư ngành khoa học đo lường của Đại học Washington, nói hôm 17/2. "Chúng ta đã phơi nhiễm với loại virus này và bây giờ đã biết cách đối phó với chúng".
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo những chủng nCoV đang lưu hành và biến chủng khác trong tương lai đều là mầm bệnh nguy hiểm. Hơn 130.000 người Mỹ vẫn mắc Covid-19 mỗi ngày, trong đó hơn 2.000 người tử vong. Hàng chục triệu người vẫn dễ bị tổn thương trước virus, trong khi các đợt bùng phát vẫn có thể tiếp diễn trong tương lai.
Khái niệm "miễn dịch cộng đồng" giúp ngăn chặn virus đã không còn hiệu quả trước thực tế khắc nghiệt là các biến chủng mới liên tục xuất hiện, hệ miễn dịch suy giảm và nhiều người Mỹ từ chối tiêm vaccine.
Nhưng nCoV bây giờ không còn xa lạ với dân số nữa. Hai năm trước, virus này xuất hiện ở Mỹ khi hệ miễn dịch của toàn bộ dân số nước này, khoảng 330 triệu người, vẫn chưa biết gì về nó, khiến khả năng lây nhiễm cao hơn.
"Tôi lạc quan nhận định dù số ca nhiễm tăng lên khi dịch có thể bùng phát vào mùa hè, số ca tử vong và nhập viện thì không", giáo sư Mokdad nói./.
Nguồn: Hồng Hạnh (Theo AP)/vnexpress.net