Trong khi nhiều nhà đầu tư tranh bán cổ phiếu trước thông tin căng thẳng diễn ra ở Ukraine - Nga, thì không ít người canh gom cổ phiếu rớt giá. Toàn thị trường có hơn 670 mã chứng khoán bị rớt giá, nhiều gấp 2,5 lần số mã tăng giá.
Thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh trừng phạt cấm thương mại và đầu tư giữa các cá nhân người Mỹ và hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine vừa được Nga công nhận, kèm theo việc Mỹ tin tưởng Nga sẽ có hành động quân sự, đã khiến nhiều thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng, bao gồm cả chứng khoán Việt Nam.
Ngay khi mở đầu phiên giao dịch 22-2, toàn bộ các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đều chìm trong sắc đỏ.
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, trừ nhóm năng lượng vẫn còn giữ sắc xanh tăng trưởng, chỉ số của tất cả các ngành còn lại đều bị giảm điểm, trong đó giảm mạnh rơi vào ngành bất động sản, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin, công nghiệp...
Chứng khoán giảm mạnh ngay khi khởi động phiên 22-2. Trong ảnh là nhà đầu tư đang theo dõi một phiên giao dịch - Ảnh: BÔNG MAI
Cụ thể, áp lực bán diễn ra khiến nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn bị rớt giá như VCB (Vietcombank), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), MSN (Masan), VJC (Vietjet Air), DIG (Đầu tư Phát triển xây dựng), HPG (Hòa Phát), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), NVL (Novaland)...
Ở chiều đối lập, nhiều cổ phiếu khác nhận được dòng tiền khá lớn vì những thông tin thị trường liên quan. Điển hình như giữa lúc giá xăng tăng cao, cổ phiếu nhóm dầu khí như PLX (PetroVietnam), GAS (PetroVietnam Gas), PIT (Xuất nhập khẩu Petrolimex), PSH (Dầu khí Nam Sông Hậu), PVD (PetroVietnam Drilling)... cũng tăng giá mạnh.
Cổ phiếu dầu khí như PLX, GAS... vẫn giữ được sắc xanh giữa lúc thị trường đỏ lửa ở phiên 22-2
Bên cạnh đó, mã FRT (Bán lẻ Kỹ thuật số FPT) được nhà đầu tư đổ tiền vào mua, liên tục tăng giá khi hay tin nhà thuốc Long Châu đã ký hợp đồng phân phối thuốc trị COVID-19.
Ngoài ra, cổ phiếu của nhiều nhóm ngành khác cũng nhận được lực mua như MBB (MBBank), TPB (TPBank), EIB (Eximbank), PGV (Tổng công ty Phát điện 3), VRE (Vincom Retail)...
"Sáng nay sale, đi lụm hàng ngon", một nhà đầu tư chia sẻ niềm vui trong một nhóm Zalo có gần 700 thành viên.
Dù xuất hiện lực mua cổ phiếu giảm giá, nhưng cung vẫn áp đảo so với cầu, càng gần cuối phiên sáng lực bán càng gia tăng. Tạm khép phiên, VN-Index giảm 18,61 điểm (-1,23%) xuống 1.492,23 điểm. Sàn HNX và rổ UPCoM cũng lần lượt giảm 7,77 điểm (-1,76%) xuống 433,22 điểm và 1,05 điểm (-0,92%) xuống 112,62 điểm.
Tổng ba sàn HoSE, HNX và UPCoM có tới 674 mã chứng khoán bị rớt giá, nhiều hơn gấp 2,5 lần số mã tăng giá. Thanh khoản toàn thị trường tạm đạt hơn 20.300 tỉ đồng.
Nhận định về thị trường, Chứng khoán SSI cho rằng chỉ số VN-Index vẫn cần phải vượt qua kháng cự 1.512 điểm với khối lượng giao dịch tăng lên để củng cố cho khả năng sẽ đi lên vùng kháng cự tiếp theo (1.537 điểm). Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index phá hỗ trợ 1.470 điểm trước thì rủi ro điều chỉnh giảm trở lại (vùng 1.425 - 1.400 điểm) trên chỉ số vẫn còn.
Chứng khoán châu Âu giảm mạnh do lo ngại căng thẳng Đông Âu
Các chỉ số chứng khoán châu Âu giảm mạnh trước quyết định của Tổng thống Putin gây căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu gia tăng. Trong đó chỉ số DAX của Đức đóng cửa giảm hơn 2%. Theo chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam, đồ thị giá của chỉ số này vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực cho thấy rủi ro ngắn hạn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn ở các chỉ số chứng khoán tại châu Âu vẫn duy trì ở mức giảm cho thấy căng thẳng địa chính trị Đông Âu vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lên các chỉ số chứng khoán tại khu vực này./.
Nguồn: Bông Mai/tuoitre.vn