Cơ quan công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ để tránh sập bẫy mất tiền.
Ngày 18/2, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp với Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an và một số đơn vị nghiệp vụ liên quan triệt phá nhóm đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Dân trí, đường dây này có 4 người, gồm 3 người trú tại TP.Móng Cái, Quảng Ninh là: Mạc Văn Lai (SN 1983, trú tại xã Vĩnh Thực) giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu; Trần Thị Minh (SN 1993), Trần Văn Quân (SN 1995, đều trú tại xã Vĩnh Trung) và Lê Ngọc Hoàng Anh (SN 1999, trú tại thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Bước đầu, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Trong đó, Lai là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã lên kịch bản, thuê Hoàng Anh lập trình, đồng thời là một admin duy trì hoạt động của các trang web đầu tư trực tuyến.
Sau khi các trang web đi vào hoạt động, Lai đóng vai trò là admin thứ hai để quản trị, vừa là người quản lý các tài khoản nhận tiền chiếm đoạt được, vừa tổ chức các hoạt động quảng cáo thu hút người khác mở tài khoản và đầu tư vào các trang web mà các đối tượng này lập để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Mạc Văn Lai cầm đầu đường dây lừa đảo. (Ảnh: Dân trí)
Quá trình hoạt động, khi trang web bị người tham gia phát hiện bản chất lừa đảo, Mạc Văn Lai chỉ đạo Lê Ngọc Hoàng Anh nhanh chóng đánh sập trang để xóa dấu vết rồi tiếp tục lập trang khác với các dự án đầu tư tài chính mới để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.
Mạc Văn Lai khai nhận, khi khách hàng bắt đầu đầu tư dù nhỏ hay lớn sẽ trả cả gốc lẫn lãi sau 24 giờ trong vòng từ 1 ngày cho đến 5 ngày, còn sau 10 ngày trở đi, Lai sẽ dừng việc trả lãi cho khách hàng lớn, chỉ trả cho khách hàng nhỏ. Lai cũng sử dụng các tài khoản ngân hàng của mình để chuyển tiền qua lại và sau đó sử dụng hóa đơn đăng lên nhóm, mỗi lần chuyển khoản cao nhất là 80 triệu và thấp nhất là 15 triệu nhằm củng cố niềm tin của khách hàng.
Theo báo Công an TP.HCM, qua đấu tranh khai thác, truy xuất dữ liệu từ các vật chứng thu giữ được, cơ quan công an xác định, nhóm đối tượng trên đã tạo lập 45 trang web với nội dung đầu tư tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người tham gia đầu tư.
Kết hợp đấu tranh với khai thác thông tin truy cập các app banking, ví điện tử từ 12 điện thoại và 3 máy tính thu giữ được, cơ quan Công an xác định nhóm đối tượng này sử dụng 24 tài khoản Viettelpay để nhận và chuyển tiền lừa đảo và kết quả sao kê cho thấy các bị hại đã chuyển vào 5 trong số 24 tài khoản này là 3,6 tỷ đồng.
Qua vụ án này, cơ quan Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang, cũng như không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép. Nếu tham gia đầu tư, người đầu tư sẽ đứng trước rủi ro rất lớn, có thể bị chiếm đoạt, mất toàn bộ tiền đầu tư./.
Nguồn: Việt Hương (T/h)/doisongphapluat.com