UBND quận 3 (TP.HCM) vừa trình đề án cải tạo hồ Con Rùa (Công trường Quốc Tế) bằng nguồn vốn xã hội hóa và đã được TP chấp thuận. Sau bến Bạch Đằng, hồ Con Rùa hứa hẹn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách đến TP.HCM.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về dự án, ông PHAN THẾ HUY - trưởng Phòng quản lý đô thị quận 3 - kỳ vọng cùng với đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm của thành phố, dự án này sẽ tạo chuỗi kết nối theo trục đường Phạm Ngọc Thạch - Đồng Khởi đến bờ sông Sài Gòn.
Toàn cảnh khu vực hồ Con Rùa - Ảnh: TỰ TRUNG
* Dự án cải tạo chỉnh trang hồ Con Rùa cơ bản sẽ làm những hạng mục nào, điểm nhấn mà quận chọn trong đề án này là gì, thưa ông?
- Quận 3 nhận thấy hồ Con Rùa là khu vực trung tâm, nếu cải tạo khang trang thì sẽ tạo sự thu hút về du lịch, tạo ra sức ảnh hưởng, kéo theo kinh tế - xã hội các khu vực xung quanh phát triển theo.
Việc cải tạo, chỉnh trang hồ Con Rùa gồm 2 dự án nhỏ: cải tạo phần lõi trung tâm, hồ nước do thành phố thực hiện (cụ thể là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố) và dự án cải tạo nâng cấp vỉa hè các tuyến đường xung quanh hồ Con Rùa như Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Võ Văn Tần... do quận quản lý.
Theo thiết kế, mỗi tuyến đường sẽ có một chức năng khác nhau như văn hóa, ẩm thực, trình diễn, triển lãm ngoài trời. Trước mắt, quận sẽ cải tạo nâng cấp lề đường, chỉnh trang mảng xanh, hệ thống thoát nước... Diện tích vỉa hè cải tạo khoảng 3.500m2, mảng xanh khoảng 2.900m2, tăng gấp ba lần so với hiện nay.
Phần vỉa hè đi bộ sẽ được lát lại bằng vật liệu thẩm mỹ, bền vững; sửa chữa bồn cây hư hỏng, làm ghế cho người đi bộ nghỉ chân. Đồng thời cải tạo bố trí lại tủ điện, hầm ga, miệng cống cho thẩm mỹ hơn. Quận cũng vận động các nhà dân, công trình xung quanh cải tạo hàng rào.
Ví dụ hàng rào bít bùng thì vận động họ hạ thấp, trồng mảng xanh để tạo thành không gian mở liên hoàn, tăng hiệu ứng cây xanh đô thị. Trên lề đường lắp đặt một số tiểu cảnh mái vòm có kết cấu nhẹ để che mưa nắng cho người dân, phù hợp với khí hậu chợt mưa chợt nắng của thành phố.
Ông Phan Thế Huy - Ảnh: L.PHAN
* Việc chia làm 2 dự án song song do hai đơn vị phụ trách liệu có làm mất đồng bộ và kết nối xuyên suốt trong việc cải tạo khu vực này không?
- Hai dự án này gắn chặt với nhau. Trong quá trình thực hiện, quận và các cơ quan thành phố có trao đổi thường xuyên nên sẽ không sợ xảy ra vấn đề mất kết nối đồng bộ trong cải tạo.
Về cơ bản, dự án trùng tu vùng lõi vẫn giữ lại, bảo tồn hiện trạng đang có và phục dựng tốt hơn. Cụ thể là sẽ sửa chữa các hư hỏng, cải tạo vệ sinh môi trường, tôn tạo cho đẹp hơn. Phần lõi trung tâm là điểm hội tụ của các tuyến đường, có thể tăng cường chiếu sáng mỹ thuật vào buổi tối để làm điểm nhấn.
Dự án do quận 3 phụ trách, phấn đấu đến ngày 30-4 sẽ khởi công và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng nhân dịp Quốc khánh 2-9.
* Quận đã tính tới vấn đề kết nối giao thông, điểm giữ xe như thế nào để thuận tiện cho người dân đến tham quan, vui chơi chưa?
- Quận đã lập đề án quản lý sử dụng lòng lề đường làm bãi xe tự quản hoặc bãi xe có thu phí. Chúng tôi đã xin thành phố cho thí điểm và được chấp thuận. Theo đó, sắp tới thành phố sẽ phân cấp cho các quận huyện chủ động tổ chức quản lý, sử dụng vỉa hè.
Xung quanh khu vực hồ Con Rùa có nhiều địa điểm có không gian rộng như sân vận động Phan Đình Phùng, số 1 Công trường Quốc Tế tương lai khi xây dựng sẽ có hầm giữ xe, ngoài ra các trường học xung quanh đó đều có các khoảng sân rộng.
Vào dịp cuối tuần hoặc buổi tối, chúng tôi có thể tăng cường làm bãi giữ xe cho người dân gửi xe đi bộ tham quan.
Ngoài ra, quận cũng chấn chỉnh việc tụ tập bán hàng rong, không để việc buôn bán nhếch nhác. Sau khi cải tạo, chúng tôi có tính tới phương án làm một tuyến phố ẩm thực để sắp xếp người buôn bán vào.
Đặc biệt, quận cũng chú ý tới việc lắp các nhà vệ sinh công cộng thông minh hoàn toàn tự động tại khu vực - một vấn đề hiện đang thiếu tại các không gian công cộng.
* Cải tạo các tuyến đường chỉ là một phần nhỏ, xa hơn quận có những tính toán gì cho việc kết nối công trình này?
- Xong các tuyến đường, giai đoạn 2 khi thành phố thực hiện "Đề án tổ chức phố đi bộ" chúng tôi mong muốn kết nối tạo sự xuyên suốt từ hồ Con Rùa qua Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà thờ Đức Bà theo trục Đồng Khởi xuống tới phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng.
Chúng tôi cũng có lấy ý kiến của cộng đồng dân cư xung quanh trong suốt một năm qua. Người dân cũng mong muốn sớm chỉnh trang để khu vực này xứng tầm khu vực trung tâm thành phố, hiện nay đây chỉ là điểm đến thì hơi lãng phí.
Giữ gìn nét cổ xưa
Theo ông Khương Văn Mười - nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành phố nên chỉnh trang làm đẹp hồ Con Rùa, tăng thêm không gian đi bộ cho người dân.
Về việc cải tạo công viên, ông Mười cho biết kết cấu trụ trong hồ Con Rùa có giải pháp kiến trúc là bêtông trần (không ốp gạch), riêng hồ có ốp gạch.
Đó là một loại hình nghệ thuật kiến trúc, nếu có chỉnh trang nên sử dụng các vật liệu như ngày xưa đã làm và giữ nguyên kết cấu cũ. Bên cạnh đó, bêtông trần thi công khó hơn so với bêtông thường nên càng phải lưu giữ.
Về cải tạo vỉa hè, ông Mười góp ý nên quan tâm đến các lối đi cho người khuyết tật, đèn hiệu băng qua đường. Nếu có bố trí các dịch vụ thì cần bố trí thêm đèn chiếu sáng, đèn kiến trúc liên quan và đèn trang trí.
Để hồ Con Rùa thêm đẹp mắt và sống động, cũng nên chỉnh trang lại đài phun nước cho phù hợp hơn và bố trí thêm đèn nghệ thuật dành cho ngày thường, ngày nghỉ, ngày lễ lớn.
Mong chờ diện mạo mới của hồ Con Rùa
Bạn Trần Trung Nguyên (sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM) cho biết do sinh sống và học tập gần hồ Con Rùa nên bạn thường xuyên cùng bạn bè ra đây hóng mát.
Nguyên cho hay khu vực hồ có nhiều cây xanh to, tỏa bóng mát khắp công viên và có hồ nước nên không khí thường mát mẻ kể cả buổi trưa.
"Mình rất mong chờ diện mạo mới của nơi này, mong rằng sẽ đẹp và hiện đại như bến Bạch Đằng", Nguyên nói.
Ngoài ra, Nguyên còn kiến nghị có chỗ để xe miễn phí cho người dân vì phí giữ xe khá cao nên nhiều người không chịu gửi mà đậu gần công viên, gây ảnh hưởng đến giao thông./.
Nguồn: Lê Phan - Kim Út/ tuoitre.vn