Sáng 6.9, trước bối cảnh siêu bão số 3 (siêu bão Yagi) đang áp sát đất liền, mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh những dải mây dày đặc, khổng lồ sát mặt đất, màu đen, kéo dài, tầng tầng lớp lớp giống như một đợt sóng thần đang ập đến.
Theo tìm hiểu, những đám mây khổng lồ này xuất hiện tại Thanh Hóa, Nghệ An và một số địa phương miền Bắc. Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người tỏ ra lo lắng và cho rằng đây là dấu hiệu của siêu bão số 3 (siêu bão Yagi) sắp đổ bộ Việt Nam.
Hình ảnh dải mây xuất hiện sáng nay, theo các chuyên gia, chính là dải mây gây mưa của siêu bão Yagi đang di chuyển trên Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền - ẢNH: MXH
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Thế Hoàng, Chủ tịch Hội Thiên văn Hà Nội, cho biết đây là mây vũ tích.
Mây vũ tích là những khối mây tích dầy và đặc, có độ phát triển lớn, dữ dội theo chiều thẳng đứng, nhô lên thành hình những trái núi và những ngọn tháp cao đến hàng km. Mây vũ tích gây mưa lớn, mưa rào to kèm giông sấm chớp. Đây là loại mây nguy hiểm sinh ra mưa lớn và sấm sét ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của con người.
"Thông thường, loại mây này xuất hiện là do sự bất thường của khí quyển và hình thành do hơi nước từ các dòng khí mạnh thổi từ dưới lên. Tuy nhiên, nó cũng có các dạng đặc biệt trước những cơn lốc hoặc cơn bão. Có thể khẳng định, những đám mây xuất hiện như hình ảnh trên là do dải mây gây mưa của siêu bão Yagi đang di chuyển trên Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền. Dải mây gây mưa này hiện đã bao trùm hết miền Trung", ông Hoàng nói.
Dải mây xuất hiện ở một số khu vực khác - ẢNH: MXH
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay 6.9, trung tâm cũng nhận hình ảnh về dải mây này do nhiều người dân cung cấp. Đây là ảnh hưởng của hoàn lưu siêu bão số 3 (siêu bão Yogi).
Cũng theo cơ quan khí tượng, 22 giờ ngày 5.9, tại trạm Văn Lý (Nam Định) đã ghi nhận gió mạnh cấp 9, giật 10 trong cơn giông. Đây là cơn giông trước khi bão đổ bộ.
Điều này cũng đã được chuyên gia khí tượng cảnh báo. Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng thời tiết oi nóng không phải là điều kiện thuận lợi để bão có thể vào hoặc không vào miền Bắc.
"Chúng tôi quan tâm với điều kiện oi nóng như hiện nay, khi chuyển sang mưa, cụ thể là mưa trước bão trong ngày 6.9 ở Đông Bắc bộ và Hà Nội thì sẽ dẫn đến nguy cơ giông, lốc, sét xảy ra nhiều hơn", ông Lâm nói.
Lúc 9 giờ sáng nay 6.9, vị trí siêu bão Yagi ở 19,3 độ vĩ bắc; 112,1 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km, cách Quảng Ninh 570 km. Siêu bão mạnh cấp 16 (184 - 201 km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong 3 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 15 - 20 km/giờ.
Từ trưa nay 6.9, vùng biển phía đông vịnh Bắc bộ (bao gồm H.đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6 - cấp 7. Từ tối và đêm 6.9, khu vực vịnh Bắc bộ (bao gồm H.đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8 - cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - cấp 14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền, từ hôm nay và gần sáng mai 7.9, vùng ven biển từ Quảng Ninh - Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6 - cấp 7, sau tăng lên cấp 8 - cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - cấp 12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía đông Bắc bộ có gió mạnh cấp 6 - cấp 8, giật cấp 9 - cấp 11. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7.9.
Ngoài ra, khu vực Đông Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa giông trong ngày hôm nay do tác động vành ngoài hoàn lưu siêu bão Yagi.
Do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, từ đêm 6 - 9.9, ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở Đông Bắc bộ tập trung trong ngày và đêm 7.9, phía tây Bắc bộ từ tối 7 - 9.9)./.
Nguồn: Đình Huy/thanhnien.vn