Giải cứu cô dâu 9 tuổi và vấn nạn tảo hôn ở Afghanistan

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hành trình giải cứu cô dâu 9 tuổi và vấn nạn tảo hôn ở Afghanistan

Parwana Malik, 9 tuổi, nằm thăng bằng trong lòng mẹ bên cạnh các anh chị em của mình, khi cả gia đình được giải cứu bởi một nhóm cứu trợ các cô gái khỏi nạn tảo hôn ở Afghanistan.

Chỉ mang theo một chiếc chăn để sưởi ấm, Parwana Malik, 9 tuổi, nằm thăng bằng trong lòng mẹ bên cạnh các anh chị em của mình, khi cả gia đình được giải cứu bởi một nhóm cứu trợ các cô gái khỏi nạn tảo hôn ở Afghanistan. Chia sẻ trong hành trình của mình, Parwana cho biết: "Cháu thật sự rất hạnh phúc. Tổ chức từ thiện đã đưa cháu rời khỏi chồng cháu, ông ấy đã già".

Trước đó, CNN từng đưa tin về việc Parwana cùng một vài bé gái khác đã bị chính người thân trong gia đình bán đi để có tiền ăn, sinh sống qua ngày. Vào thời điểm đó, cha của Parwana, ông Abdul Malik, cho biết con gái ông đã khóc cả ngày lẫn đêm, cầu xin ông đừng bán cô bé và nói rằng cô bé muốn đến trường học tập.

Bài đăng của CNN đã nhận được sự phản ứng gay gắt từ quốc tế. Nhờ vậy, cô bé 9 tuổi đã được trả tự do về với gia đình. 

Theo đó, tổ chức phi lợi nhuận Too Young to Wed (TYTW) có trụ sở tạ Mỹ đã tham gia vào chiến dịch giải cứu các bé gái, anh chị em và mẹ của họ đến một ngôi nhà an toàn. Stephanie Sinclair, người sáng lập TYTW cho biết: "Đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Nhưng thực sự những gì chúng tôi đang cố gắng làm là ngăn vấn nạn các bé gái bị bán đi làm vợ".

Giải cứu cô dâu 9 tuổi

Sau hành trình kéo dài 4 tiếng đồng hồ qua những con đường núi, đến tối muộn, gia đình Parwana mới đến được một khách sạn nhỏ ở Herat, thành phố lớn thứ 3 của Afghanistan. Bé được hộ tống bởi một đại diện địa phương của Too Young to Wed, cùng với mẹ, Reza Gul và anh trai cô, Payinda.

Trong đó, Reza Gul và Payinda nói với CNN rằng việc cha của Parwana quyết định bán cô đi là trái với mong muốn của họ. Bà Reza Gul kể lại: "Tất nhiên, tôi rất tức giận, tôi đã chiến đấu với anh ta và tôi đã khóc. Nhưng anh ta nói rằng anh ta không có bất kỳ lựa chọn nào khác". 

Parwana Malik, 9 tuổi, bị bán làm cô dâu cho một người đàn ông 55 tuổi. Ảnh: CNN

Do đó, Parwana đã bị bán vào ngày 24/10/2021 cho một người đàn ông 55 tuổi, có mái tóc bạc, để đổi lấy tiền mặt, cừu và đất trị giá khoảng 2.200 USD. 

Cô bé chia sẻ: "Cha cháu đã quyết định bán cháu đi vì nhà cháu cạn kiệt bánh mì, gạo và bột mì. Ông ấy đã bán cháu cho một ông già". 

Mẹ của Parwana cho biết con gái bà đã cầu xin được trở về nhà với gia đình và được phép trở lại trại tị nạn của họ một vài lần. Bà tâm sự: "Con bé nói với tôi rằng họ đã đánh nó và con bé không muốn quay lại gia đình ấy".

Cô bé 9 tuổi kể lại: "Họ đối xử rất tệ, họ nguyền rủa, bắt cháu dậy sớm và làm việc". 

Sau khi câu chuyện về hoàn cảnh của Parwana được CNN xuất bản, cộng đồng thế giới đã bày tỏ sự phẫn nộ với người đã mua bé Parwana. Cuối cùng ông và gia đình đã phải trốn tránh. CNN kể từ đó đã không thể liên lạc với ông ta cũng như gia đình để đưa ra bình luận về vấn đề.

Trong khi đó, cha của Parwana cho biết ông cũng bị chỉ trích và cảm thấy áp lực khi phải thay đổi câu chuyện về cuộc hôn nhân trên trong các cuộc phỏng vấn với một số hãng truyền thông địa phương. Theo đó, ông đã gửi lời xin lỗi về vấn đề. 

Khoảng hai tuần sau bị khi bán, Parwana đã được trả lại cho gia đình nhưng cha cô bé vẫn nợ người mua số tiền tương đương 2.200 USD. Người này đã sử dụng số tiền thu được để trả các khoản nợ khác của gia đình. 

Afghanistan đứng trước bờ vực khủng hoảng

Các huyết mạch kinh tế của Afghanistan đã bị cắt đứt kể từ giữa tháng 8/2021 khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul sau sự rời đi của binh sĩ Mỹ và phương tây. Hàng tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương đã bị đóng băng, các ngân hàng trong nước đang cạn kiệt tiền mặt và người dân không được trả lương trong nhiều tháng. 

Giờ đây, các cơ quan viện trợ và các nhóm nhân quyền bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng những người nghèo nhất của đất nước này phải đối mặt với nạn đói trong mùa đông giá lạnh và tàn khốc. 

Bé Parwana và cha. Ảnh: CNN

Theo một báo cáo của IPC cuối năm 2021, tổ chức đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực, hơn một nửa trong số khoảng 39 triệu dân của đất nước sẽ phải đối mặt với tình trạng đói cấp độ khẩn cấp vào tháng 3/2022. Báo cáo ước tính rằng hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Dominik Stillhart, giám đốc hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) nhận định: "Cộng đồng quốc tế đang quay lưng khi đất nước đứng trước bờ vực của thảm họa nhân tạo".

Được biết, ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, nạn đói đã hoành hành khắp đất nước nghèo khó và giờ đây các cô gái trẻ đang phải trả giá bằng cơ thể và mạng sống của họ.

Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ hàng đầu Afghanistan, Mahbouba Seraj nói với CNN: "Các cô gái trẻ Afghanistan đang trở thành cái giá để mua bán thực phẩm. Bởi vì nếu không chấp nhận bị bán đi, gia đình họ sẽ chết đói".

Mặc dù kết hôn dưới 15 tuổi là bất hợp pháp tại Afghanistan nhưng tình trạng vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều năm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn của đất nước. Và tình hình đã ngày càng tồi tệ kể từ tháng 8/2021, khi các gia đình trở nên tuyệt vọng vì không có thức ăn.

Bà Seraj phân tích: "Thường có rất nhiều đau khổ, có rất nhiều sự ngược đãi, có rất nhiều sự lạm dụng liên quan đến những  vụ việc này. Một số người trong số họ không thể chịu được. Nhiều bé gái thậm chí còn chết khá trẻ".

Theo bà Seraj, nhiều bé gái đã tử vong vì bị ép buộc sinh con khi cơ thể còn chưa phát triển. Phụ nữ từ lâu đã bị coi là công dân hạng hai ở Afghanistan, nơi được xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về quyền phụ nữ trong Chỉ số Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2021. Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn khi nhiều quyền cơ bản mà phụ nữ đấu tranh trong hơn hai thập kỷ qua đã bị tước bỏ./.

Nguồn: Minh Hạnh (Theo CNN)/doisongphapluat.com