Hàng loạt tuyến quốc lộ xuống cấp, vì sao Bộ GTVT chưa nâng cấp, sửa chữa?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hàng loạt tuyến quốc lộ xuống cấp, vì sao Bộ GTVT chưa nâng cấp, sửa chữa?

Bộ GTVT vừa đưa ra lý do chưa thể triển khai đầu tư, cải tạo và nâng cấp nhiều đoạn tuyến quốc lộ tại một số tỉnh đã xuống cấp, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo đó, với kiến nghị đầu tư nâng cấp Quốc lộ 54 đoạn đi qua tỉnh Vĩnh Long, Bộ GTVT cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 54 có điểm đầu tại Vàm Cống (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), điểm cuối tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, chiều dài tuyến 149 km; quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe. Hiện trạng tuyến đã được đầu tư cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, riêng đoạn qua tỉnh Vĩnh Long còn khoảng 44,8 km mới đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu lưu thông thuận lợi, an toàn trên tuyến Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện bảo trì, duy tu, sửa chữa một số đoạn tuyến Quốc lộ 54 từ nguồn kinh phí sự nghiệp, trong đó năm 2022 - 2024 khoảng 104 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 khoảng 20 tỷ đồng. Đồng thời, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã cân đối 3.752 tỷ đồng để đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long về sự cần thiết đầu tư Quốc lộ 54 đoạn qua tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ và đã giao Ban Quản lý dự án 7 triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 54 qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư tuyến Quốc lộ 54 trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, nguyên tắc bố trí vốn theo quy định, Bộ GTVT sẽ xem xét sớm đầu tư tuyến Quốc lộ 54.

Mặt đường Quốc lộ 54 qua tỉnh Vĩnh Long bị bong tróc, xuất hiện nhiều "ổ voi, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT

Đối với tuyến Quốc lộ 30 và Quốc lộ 80 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT cho biết, hiện trạng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khoảng 104 km) đã được đầu tư 64 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, còn lại khoảng 40 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe; Quốc lộ 80 hiện trạng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khoảng 47 km) đã được đầu tư cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, chỉ còn lại khoảng 4 km qua một số vị trí công trình cầu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe. 

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu lưu thông thuận lợi, an toàn trên tuyến Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện bảo trì, duy tu, sửa chữa một số đoạn tuyến Quốc lộ 30, Quốc lộ 80 từ nguồn kinh phí sự nghiệp, trong đó năm 2024 bố trí khoảng 101 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 bố trí khoảng 75 tỷ đồng. Đồng thời, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã cân đối đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 8.751 tỷ đồng để triển khai đầu tư 05 dự án và 3.640 tỷ đồng cho Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. 

Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp về sự cần thiết đầu tư Quốc lộ 30, Quốc lộ 80 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ. Do khó khăn về nguồn lực nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư đoạn tuyến trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2026-2030, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, nguyên tắc bố trí vốn theo quy định, Bộ GTVT sẽ xem xét sớm đầu tư đoạn tuyến này. 

Đối với Quốc lộ 34 và Quốc lộ 280 đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Giang, phía Bộ GTVT thông tin, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 34 có tổng chiều dài 265km, đoạn qua tỉnh Hà Giang dài khoảng 72km, quy mô đường cấp 4, có 2 - 4 làn xe; Quốc lộ 280 có tổng chiều dài 173km, đoạn qua tỉnh Hà Giang dài khoảng 28km, quy mô đường cấp 4 và 2 làn xe.

Các tuyến quốc lộ nêu trên nhằm kết nối tỉnh Hà Giang với Cao Bằng và Tuyên Quang để đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch các tỉnh nhưng do khó khăn về nguồn lực nên Bộ GTVT chưa thể bố trí vốn để đầu tư các tuyến quốc lộ trong giai đoạn 2021-2025.

Về nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông tại tỉnh Hà Giang, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đang tiến hành chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc kết nối giữa cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Hà Giang. Đồng thời, Quốc lộ 279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô đã được hoàn thành và đưa vào khai thác.

Liên quan đến kiến nghị cải tạo, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 48D đoạn qua tỉnh Nghệ An, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường này dài 166km, từ cảng Đông Hồi đến huyện Quế Phong, với quy mô đường cấp 3 - 4 và có từ 2 - 4 làn xe. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, Bộ GTVT chưa thể bố trí vốn để đầu tư vào Quốc lộ 48D trong giai đoạn 2021 - 2025.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam triển khai sửa chữa các hư hỏng về nền, mặt đường và hệ thống an toàn giao thông trong các năm 2022 - 2023, với kinh phí khoảng 160 tỷ đồng, và sẽ tiếp tục duy tu, sửa chữa trong năm 2024 với khoảng 50 tỷ đồng.

Trước mắt, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện kế hoạch bảo trì và sửa chữa các tuyến quốc lộ liên quan để đảm bảo điều kiện đi lại và vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, Bộ GTVT sẽ cân nhắc khả năng nguồn lực và các nguyên tắc bố trí vốn để xem xét đầu tư sớm vào các tuyến quốc lộ này.

Nguyễn Lâm/doisongphapluat.com