Hàng loạt quan chức tại Trung Quốc bị sa thải vì chống dịch COVID-19 kém hiệu quả

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hàng loạt quan chức tại Trung Quốc bị sa thải vì chống dịch COVID-19 kém hiệu quả

Hàng loạt quan chức Trung Quốc đã bị cách chức vì xử lý dịch COVID-19 không hiệu quả dẫn tới tình trạng số ca bệnh tăng mạnh.

Global Times đưa tin, ít nhất 26 quan chức Trung Quốc đã bị cách chức vì hoạt động kém hiệu quả trong việc xử lý dịch bệnh ở các tỉnh Quảng Đông, Cát Lâm, Sơn Đông, khiến COVID-19 bùng phát trở lại.

Động thái này nhằm cảnh cáo những người phụ trách chống dịch tại các thành phố khác không được lơ là cảnh giác, vì bất kỳ sự sơ hở nhỏ nào cũng có thể hủy hoại những thành tựu trước đây trong công tác phòng chống COVID-19.

Các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng việc quy trách nhiệm cho các quan chức góp phần tăng cường các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. 

Tại thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông hôm 13/3, tổng cộng 6 quan chức đã bị cách chức vì thực hiện nhiệm vụ kém trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở thị trấn Dalang.

6 người gồm: Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Quảng Đông Huang Shouying, Phó Chủ tịch thành phố Đông Quan Wang Changqing, Giám đốc Sở Công an thành phố Đông Quan Bi Hongbo. Ngoài ra còn có ba quan chức khác tại thị trấn Dalang và thành phố Đông Quan.

Tỉnh Cát Lâm cũng vừa sa thải ít nhất ba quan chức gồm Phó Bí thư thành phố Cát Lâm Wang Lu, Chủ tịch quận Jiutai Li Xin và Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Changchun Gao Yutang.

Tỉnh Cát Lâm đã ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm COVID-19 hôm 12/3. Chính quyền tỉnh giải thích rằng biện pháp phản ứng khẩn cấp tại một số khu vực đã không hiệu quả, trở thành nguyên nhân dẫn đến ca bệnh tăng mạnh.

Thâm Quyến bị phong tỏa từ 13/3. Ảnh: Caixin.

Bí thư Đảng ủy của Đại học Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Cát Lâm Zhang Lifeng đã bị sa thải vì xử lý kém đối một ổ dịch tại trường này. 

Hôm 12/4, tổng cộng 17 quan chức tại thành phố Lai Tây ở tỉnh Sơn Đông đã bị kỷ luật vì hành vi sơ hở nghiêm trọng trong các nhiệm vụ phòng chống dịch hàng ngày, đặc biệt là lơ là cảnh giác tại những nơi tập trung đông người như trường học.

“Việc trừng phạt các quan chức vô trách nhiệm ngụ ý rằng đất nước rất coi trọng tính mạng và sức khỏe của người dân, một vấn đề không ai được đánh giá thấp”, ông Wang Guangfa - một chuyên gia hô hấp tại  Bệnh viện số 1 của Đại học Bắc Kinh cho biết.

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Trung Quốc đã rất chú trọng đến việc buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm như một phần trong chiến lược chống dịch của mình, vì các quan chức chính quyền địa phương là những mắt xích quan trọng để đất nước duy trì chính sách “Zero COVID-19”.

Trung Quốc đã duy trì chính sách “Zero COVID-19” nghiêm ngặt để kiểm soát số ca mắc, trong đó có các biện pháp phong tỏa nhanh, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt khi ổ dịch xuất hiện.

Tuy nhiên, đợt bùng phát mới nhất, được thúc đẩy bởi biến chủng Omicron và sự gia tăng đột biến trong các ca nhiễm không có triệu chứng, đang thách thức cách tiếp cận này.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc NGÀY 13/3 cho biết nước này ghi nhận 3.393 ca COVID-19 mới, cao hơn gấp đôi so với hôm trước và là mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ tháng 2/2020. Ba tuần trước, Trung Quốc ghi nhận chưa đến 100 ca/ngày./.

Nguồn: Mộc Miên (T/h)/doisongphapluat.com