Hàng hóa tăng theo giá xăng, người tiêu dùng hoa mắt, chóng mặt

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hàng hóa 'phi' theo giá xăng, người tiêu dùng hoa mắt, chóng mặt

Những ngày qua, giá xăng dầu “phi mã” kéo theo hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng theo như: thịt, rau quả… khiến người tiêu dùng không khỏi hoa mắt, chóng mặt. 

Thịt, raucủquả… “phi” theo giá xăng dầu

Giá xăng dầu liên tục vượt đỉnh, giá xăng E5 RON 92 hiện có mức bán lẻ 25.530 đồng/lít, xăng RON 95 từ 26.280 - 27.330 đồng/lít (tùy loại), dầu diesel 20.000 - 21.150 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít… Mức giá trên được điều chỉnh tăng kể từ 15 giờ ngày 1.3, đây cũng là lần tăng giá xăng, dầu thứ 6 liên tiếp trong 2 tháng đầu năm.

Xăng, dầu tăng giá kéo theo các mặt hàng thực phẩm cũng lên giá. Khảo sát tại một số chợ dân sinh ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), An Lão (Hải Phòng), Đội Cung (TP.Vinh, Nghệ An),… nhiều loại rau củ thiết lập mặt bằng giá mới. Chiều 3.3, tại khu chợ dân sinh ở Hoàng Quốc Việt (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), súp lơ có giá 20.000 đồng/cây (tăng 5.000 đồng/kg); bí đỏ 15.000 đồng/kg; bắp cải 14.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg); rau cải xoong 10.000 - 12.000 đồng/bó (tăng 2.000 - 3.000 đồng tùy nơi bán); cải canh giá 25.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg); rau thì là tăng đột biến với mức giá 200.000 đồng/kg (tăng 30.000 - 50.000 đồng/kg).

Không riêng gì giá rau xanh tăng, các mặt hàng thịt và hải sản cũng nhỉnh hơn so với giá cũ. Giá thịt lợn mông sấn ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Cá trắm cắt khúc 80.000 đồng/kg, cá trắm nguyên con 60.000 đồng/kg; cá trôi nguyên con 50.000 đồng/kg; cá rô phi giao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg); tôm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại (tăng 30.000 đồng/kg). Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 240.000 - 350.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo chi phí vận chuyển cũng đội lên dẫn đến các mặt hàng tiêu dùng đặc biệt là thực phẩm thiết yếu tăng theo.

Giá xăng dầu tăng phi mã thời gian qua - NGUYỆT QUỲNH

Người tiêu dùng lao đao

Việc giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là sinh viên khi chi phí sinh hoạt hằng ngày bỗng tăng đột biến. Chị Nguyễn Thị Hà Phương, sinh viên năm 3 khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, không đi làm thêm được mình cũng phải thắt chặt chi tiêu hơn khi giá xăng không ngừng tăng mạnh. Do nhu cầu đi lại để thuận tiện việc học mình sử dụng xe máy và cứ 4 ngày lại phải đổ 1 bình xăng đầy với giá là 100.000 đồng khi trước đây chỉ mất 60.000 - 70.000 đồng là đầy bình. Cứ thế này chi phí sinh hoạt trong 1 tháng sẽ tăng rất nhiều khi xăng tăng, thực phẩm cũng tăng”.

Chị Vũ Thị Thanh Nhàn, một người dân ở P.Quán Bàu (TP.Vinh, Nghệ An), cho biết: “Giá rau củ tăng rất nhanh. Hôm trước tôi đi chợ mua 15.000 đồng 1 kg bắp cải nay ra chợ đã lên đến 20.000 đồng. Các loại rau như cải xanh, cải ngọt… cũng tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/mớ. Giờ đi ra chợ là chóng mặt vì giá”.

Chị Hiền, chủ quán hoa quả tại An Lão (Hải Phòng), cho hay giá hoa quả nhập vào tăng lên rất nhiều. Cam vàng trước bán 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng từ hôm 2.3 bán ra là 60.000 đồng/kg; quýt là 50.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với giá trước. Đây là 2 loại quả tăng giá nhiều trong mấy ngày qua.

Rau, củ, quả tăng theo giá xăng, dầu - NGUYỆT QUỲNH

Giá cả hàng hóa leo thang, buộc người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu. Lý giải nguyên nhân mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm diễn ra tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas.

Bộ này dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022 như: giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Đặc biệt, giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.

Xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý

Trước tình hình giá cả leo thang, Bộ Tài chính cho biết đang chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng...

Trên cơ sở đó, tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để tăng giá bất hợp lý./.

Nguồn: Nguyệt Quỳnh - Thảo Vân/thanhnien.vn