Hàng giá rẻ qua Temu tràn vào Việt Nam

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hàng giá rẻ qua Temu tràn vào Việt Nam

Sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đang tiến vào thị trường Việt Nam một cách rầm rộ, nổi bật với những sản phẩm, hàng giá rẻ.

Hàng giá rẻ đổ bộ vào thị trường Việt Nam

Anh Nguyễn Hải (Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) biết đến Temu khi thấy trang này quảng cáo trên mạng xã hội. Khi nhấp vào, anh Hải được trang thương mại điện tử này mời tham gia vòng quay bánh xe thể hiện các mức độ khuyến mãi hàng hóa khác nhau, từ 50% lên đến 80%. Quay vào ô giảm 80% - mức giảm cao nhất, anh Hải được hướng dẫn đến ứng dụng mua sắm trực tuyến của Temu.

Liên kết hướng dẫn anh tạo tài khoản để trải nghiệm mua sắm với nhiều ưu đãi lớn. Anh mua chiếc kính mắt thời trang giá 445.000 đồng, giảm 75% so với giá gốc là 1,7 triệu đồng và được giao 3 ngày sau đó.

"Giá kính mắt hiệu Cyberpunk bình thường gần 2 triệu đồng, thấy giá quá rẻ, tôi mua thử", anh Hải cho biết. Mua kèm vài vật dụng khác thanh toán tối thiểu 120.000 đồng, anh được miễn phí vận chuyển, nhưng phải thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple Pay.

Temu ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn

Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc), nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng tuần gần đây.

Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá sản phẩm rất rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian.

Hầu hết các sản phẩm của Temu đều đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp và quy mô sản xuất lớn. Công ty mẹ của Temu, PDD Holdings, cũng có những chiến lược trợ giá, chấp nhận lợi nhuận thấp cho mỗi sản phẩm bán ra, giúp giảm giá thành sản phẩm.

"Trên nền tảng thương mại điện tử Tiktok shop bán hàng Trung Quốc rất nhiều từ mỹ phẩm, quần áo, hàng gia dụng đến các sản phẩm điện tử. Trong phiên live bán sản phẩm giá đỡ điện thoại thông minh "made in China" có tới gần trăm nghìn lượt đặt; cùng sản phẩm đó, nhưng hàng trong nước bán được ít hơn vì giá cao", anh Đông - một người bán hàng trên nền tảng mạng xã hội cho hay.

Theo anh Đông, không chỉ thường xuyên có hàng loạt những voucher, ưu đãi để hút người mua hàng; sàn thương mại điện tử này còn đang đánh chiếm sự tham gia của các nhà bán hàng bằng mức trợ giá hấp dẫn. "Những ưu đãi khủng đang là vũ khí quan trọng để Tiktok Shop thu hút người mua và người bán", anh Đông nói.

Hàng Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, với lợi thế về các chính sách trợ giá, thuế nhập khẩu (theo quy định hiện nay của Chính phủ, hàng nhập khẩu vào Việt Nam nhưng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu - PV) vận chuyển, cùng hệ thống vận chuyển logistics chuyên nghiệp, hiện đại, dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc về giá, chi phí vận chuyển là khá lớn.

Thời gian qua, Trung Quốc gia tăng xuất khẩu qua biên giới bằng nền tảng số và thương mại điện tử, trong đó có Tiktok shop, Shopee, Lazada… Doanh nghiệp Trung Quốc lập các kho hàng ở khu vực biên giới, hoặc có kho hàng ngay tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt ngày càng phải ứng phó với các thách thức cạnh tranh.

"Sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc có thế mạnh qua biên giới như đã nêu ở trên đã khiến cục diện xoay chiều, gây khó khăn cho hàng Việt Nam", ông Phú nói.

Theo ông, một lô hàng đi từ Trung Quốc, nhất là có kho tập kết ở các tỉnh biên giới hoặc trong nội địa Việt Nam chỉ mất khoảng 2 - 3 ngày, cộng với mẫu mã đa dạng, phí vận chuyển thấp... trở thành một cuộc cạnh tranh không cân sức giữa hàng hóa Việt Nam và Trung Quốc.

Về giải pháp, ông Phú cho rằng, những nhà bán hàng Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì nhãn mác theo quy định của phía bạn; liên doanh liên kết tạo sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt, chú trọng thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang thương mại điện tử...

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng: Kho bãi, giao thông và phương tiện vận chuyển, đưa công nghệ quản lý mới, tiên tiến vào ứng dụng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần có sự phấn đấu nỗ lực chủ quan sáng tạo đổi mới là chính, tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ hỗ trợ tư vấn của các bộ, ngành chuyên môn, các địa phương để thực hiện tốt các giải pháp đã nêu ở trên, nhằm từng bước cải thiện cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới trên các nền tảng thương mại điện tử ngày càng tiến bộ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo./.

Nguồn: Cường Ngô/laodong.vn