Hàn Quốc đánh bại Covid-19 thế nào

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Hàn Quốc đánh bại Covid-19 thế nào

Số ca nhiễm hiện cao nhất thế giới song tỷ lệ tử vong tại Hàn Quốc giảm kỷ lục, cho phép nước này nới giãn cách xã hội, sống chung hiệu quả với Covid.

Hàn Quốc ghi nhận hơn 600.000 ca nhiễm Covid-19 mới, cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, hôm 17/3. Tại các quốc gia khác, sự gia tăng này là dấu hiệu báo động đợt bùng phát ngoài tầm kiểm soát, kéo theo đó là số ca tử vong tăng vọt.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, bức tranh hoàn toàn khác. Tỷ lệ tử vong tại nước này là 0,14%, giảm mạnh so với 0,88% cách đây hai tháng, ngay cả khi số ca nhiễm tăng gấp 80 lần trong cùng khoảng thời gian. Con số này bằng một phần 10 so với Mỹ và Anh.

Số ca nhiễm cao ngất ngưởng phản ánh công tác xét nghiệm nhất quán của quốc gia, một điều bị nhiều nơi bỏ qua khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành. Nhưng đây cũng là lý do chính khiến tỷ lệ tử vong trên đầu người của Hàn Quốc chạm đáy.

Xét nghiệm hầu hết các ca nhiễm, nghi nhiễm cho phép nước này xác định các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng và ưu tiên điều trị, cho F0 nhập viện trước khi tình trạng của họ trở nên nghiêm trọng hơn.

Phương pháp tiếp cận phi truyền thống là điển hình trong chiến lược ứng phó dịch bệnh của Hàn Quốc. Ngay từ những ngày đầu, nước này tiên phong sử dụng xét nghiệm nhanh và truy vết tiếp xúc công nghệ cao, vận dụng bài học kinh nghiệm từ những dịch bệnh trước đó.

Công tác xét nghiệm rất tốn kém. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết nước này đã chi khoảng 1,3 tỷ USD để thực hiện một triệu xét nghiệm PCR mỗi ngày. Tuy nhiên, giới chức cho rằng điều này hoàn toàn xứng đáng, bởi bệnh viện không bị quá tải, hệ thống y tế được bảo toàn nguyên vẹn.

Dù số ca nhiễm hàng ngày tăng vọt lên hơn 600.000, tức tăng hơn 60 lần, số trường hợp nhập viện chỉ tăng gấp đôi. Công suất khu hồi sức tích cực (ICU) của các bệnh viện ổn định ở mức 65%.

"Điểm quan trọng giúp ngăn ngừa tình trạng tử vong là ICU của các bệnh viện tại Hàn Quốc nói chung đủ năng lực xử lý tình hình hiện tại", Choi Jae-wook, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Y khoa Hàn Quốc, cho biết.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Seoul. Ảnh: AFP

Giờ đây, dù số ca nhiễm cao nhất thế giới, tỷ lệ tử vong giảm vẫn cho phép chính phủ nước này nới hạn chế thời đại dịch. Các nhà hàng có thể nhận nhóm trên 6 thực khách, kéo dài thời gian ăn uống.

Giới chức Hàn Quốc cho biết họ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với sự lên xuống của dịch Covid-19 một phần do các bài học kinh nghiệm trong quá trình xử lý dịch MERS (Hội chứng Hô hấp Trung Đông) năm 2015. Bài học quan trọng nhất là chuyển đổi nhanh nhẹn và phản ứng cấp tốc.

Khi Omicron chiếm ưu thế vào cuối tháng 1, thay vì bị chần chừ, Hàn Quốc tăng gấp đôi số xét nghiệm. Giống với nhiều quốc gia, chiến lược này mở rộng, gồm cả xét nghiệm kháng nguyên. Điểm khác biệt là người dương tính test nhanh vẫn phải đến xét nghiệm PCR một lần nữa tại cơ sở công lập.

Từ đó, Hàn Quốc phân F0 thành hai nhóm. Những người không triệu chứng, biểu hiện nhẹ cách ly tại nhà. Các trường hợp nguy cơ cao chuyển nặng được đưa đến bệnh viện chăm sóc và điều trị.

"Kịch bản lý tưởng là xét nghiệm PCR tại nhiều nơi nhất có thể để đạt độ chính xác cao. Tuy nhiên, xét nghiệm kháng nguyên nhanh là biện pháp bảo vệ nhóm có nguy cơ chuyển nặng hơn", KCDC cho biết.

Đồng thời, Hàn Quốc đẩy mạnh triển khai vaccine sau thời gian chậm chạp ban đầu, tập trung đặc biệt vào những người cao tuổi. Gần 86% dân số đã tiêm chủng đầy đủ khi Omicron bắt đầu lan rộng, hơn 90% người từ 60 tuổi trở lên được tiêm tăng cường.

"Tỷ lệ tử vong ở người từ 60 tuổi trở xuống đã tiêm ba mũi gần như bằng 0", Park Hyang, Tổng giám đốc bộ phận quản lý phòng chống và ứng phó với dịch bệnh của Bộ Y tế, cho biết tại một cuộc họp giao ban tuần này.

Hầu hết các ca tử vong đều nằm trong nhóm nhỏ những người già chưa tiêm phòng. Người từ 60 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao gấp 10 lần so với người đã tiêm tăng cường.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, giáo sư Choi cảnh báo Hàn Quốc không nên dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch quá sớm. Các nước khác như Anh, Mỹ đã làm điều này ngay cả khi lượng F0 và ca tử vong một lần nữa tăng lên.

"Nới biện pháp phòng chống virus chắc chắn dẫn đến nhiều trường hợp tử vong và nguy kịch hơn. Chính phủ không nên đánh giá tình hình đã ổn chỉ vì có đủ giường ICU. Họ nên thông báo và phổ cập biện pháp phòng ngừa trước với công chúng", ông Choi nói./.

Nguồn: Thục Linh (Theo SCMP)/vnexpress.net