Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc gây ra cú sốc đối với những người dân vốn đã quen với điều kiện sống và cơ sở hạ tầng được cải thiện trong những thập kỷ gần đây.
Trong nhiều tuần nay, cuộc khủng hoảng năng lượng do đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán đã tàn phá khắp Tứ Xuyên, tỉnh có 80 triệu dân ở miền Tây Nam Trung Quốc.
Những tòa nhà chọc trời đã giảm ánh đèn, nhiều nhà máy phải đóng cửa, trong khi tàu điện ngầm thì tối thui. Hàng nghìn con gia cầm và cá tại các trang trại đã chết vì mất điện, theo CNN.
Tác động của cuộc khủng hoảng điện cũng được cảm nhận tại thành phố láng giềng Trùng Khánh và các tỉnh phía đông dọc theo sông Trường Giang đến trung tâm tài chính Thượng Hải.
Làm sống lại ký ức về thời kỳ nghèo
Đối với nhiều người, việc cắt điện kéo dài làm sống lại ký ức về quá khứ xa xôi - một thời kỳ trước khi sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc mở ra những đô thị xa hoa và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Và hiện nay, biến đổi khí hậu lại đe dọa phá vỡ cảm giác an toàn và tăng trưởng kinh tế.
Đợt nắng nóng đang diễn ra là đợt tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải chứng kiến trong nhiều thập kỷ. Nó đã kéo dài hơn 70 ngày, quét qua nhiều khu vực và phá vỡ kỷ lục nhiệt tại hàng trăm trạm thời tiết.
Quy mô của nền kinh tế và dân số Trung Quốc khiến bất kỳ sự gián đoạn lớn nào đối với nguồn cung điện đều có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng.
Người dân bơi trên sông Gia Lăng, một nhánh của sông Trường Giang, vào ngày 20/8. Ảnh: Reuters
“Những hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến cuộc sống và nguồn cung cấp điện của chúng ta. Và có lẽ tất cả cần phải xem xét lại liệu những sự kiện cực đoan này có trở thành bình thường mới hay không”, Li Shuo, cố vấn khí hậu của tổ chức Greenpeace tại Bắc Kinh, cho hay.
Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng điện ở Tứ Xuyên là một ví dụ cho thấy hệ thống năng lượng của Trung Quốc kém mạnh mẽ hơn nhiều so với mức cần thiết để đối phó với những thách thức ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.
Một số người lại tin ngành công nghiệp này đang đi đúng hướng trong việc cải cách, trong khi những người khác lo lắng nó nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn có thể mọc lên. Điều đó có nguy cơ làm xói mòn cam kết của Trung Quốc về việc trung hòa carbon vào năm 2060.
Nằm dọc theo thượng nguồn sông Trường Giang, Tứ Xuyên nổi tiếng với nguồn nước phong phú và chủ yếu dựa vào thủy điện.
Trong bối cảnh nắng nóng và hạn hán kéo dài, các hồ chứa trên khắp Tứ Xuyên đang khô cạn. Điều đó đã làm tê liệt các trạm thủy điện, vốn chiếm gần 80% công suất phát điện của tỉnh.
Trong khi đó, đợt nắng nóng đã đẩy nhu cầu điện năng lên mức cao chưa từng thấy, giữa lúc người dân và các doanh nghiệp sử dụng máy lạnh để làm mát.
Theo David Fishman, một nhà phân tích về năng lượng Trung Quốc tại công ty tư vấn The Lantau Group, Tứ Xuyên thường cung cấp điện cho nhiều nơi khác trong mùa mưa.
Mặc dù công suất phát điện đã suy giảm, Tứ Xuyên vẫn phải tôn trọng các hợp đồng của mình với những tỉnh khác. Tuy nhiên, ông Fishman cho rằng điều này "thực sự khó đạt được”.
"Nhưng ngay cả khi họ có thể, các cơ sở phát điện ở Tứ Xuyên đã được xây dựng để cung cấp điện sang bờ đông. Chúng không thực sự có khả năng kết nối tốt với phần còn lại của lưới điện Tứ Xuyên", ông nói.
Bước lùi
Các nhà máy điện than của Tứ Xuyên cũng hoạt động tích cực để xoa dịu căng thẳng năng lượng, từ đó làm dấy lên lo ngại của các nhà bảo vệ môi trường về khả năng gia tăng phát thải khí nhà kính.
Tỉnh này cũng đang khai thác nhiều than hơn. Tập đoàn Công nghiệp Than Tứ Xuyên, doanh nghiệp khai thác than lớn nhất, đã tăng hơn gấp đôi sản lượng than nhiệt kể từ giữa tháng 8. Tứ Xuyên cũng đã mở kho dự trữ than quốc gia đầu tiên.
Tuần trước, Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính cho biết chính phủ nước này sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà máy than để đảm bảo cung cấp điện ổn định.
Bên cạnh đó, năm ngoái, sau khi tình trạng thiếu than gây ra hàng loạt vụ mất điện trên khắp Trung Quốc, chính phủ nước này bắt đầu phát đi tín hiệu tập trung vào "an ninh năng lượng".
Một nhà máy điện than ở thành phố Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông vào năm 2010. Ảnh: Reuters.
Đến quý cuối cùng của năm, nước này đã phê duyệt tăng công suất than trở lại, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước, Greenpeace cho biết trong một báo cáo vào tháng trước.
“An ninh năng lượng đã trở thành một loại từ mã cho than đá, thay vì cho nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy”, báo cáo cho biết.
Yu Aiqun, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Global Energy Monitor, việc quay lại sử dụng than - nguyên nhân lớn nhất gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu - để đảm bảo an ninh năng lượng là "giải khát bằng thuốc độc".
"Bất cứ khi nào có vấn đề về năng lượng xảy ra, họ (Trung Quốc) luôn cố gắng tìm kiếm câu trả lời từ điện than... Điều này đang đi ngược lại với các mục tiêu khí hậu của họ", bà nói.
Đặc biệt, phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ có tác động đến phần còn lại của thế giới. Đất nước 1,4 tỷ dân là quốc gia thải ra lượng khí CO2 lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc tăng công suất than chỉ là một phần trong câu trả lời của Trung Quốc đối với việc cải cách năng lượng.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở Helsinki (Phần Lan), cho biết sau tình trạng thiếu điện vào năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp quan trọng để tăng tính linh hoạt của giá cả và lợi nhuận của năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, ông Myllyvirta cho rằng lưới điện nước này đang "được vận hành theo một cách rất cứng nhắc".
Vì vậy, nếu lưới điện của Trung Quốc có thể được quản lý hiệu quả và linh hoạt hơn, nhu cầu xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện có thể giảm đáng kể, ông Myllyvirta nói.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xây dựng dự án năng lượng tái tạo.
Nhà tư vấn năng lượng Fishman cho biết các nhà máy điện than mới không nhất thiết phải được sử dụng. Thay vào đó, chúng có thể dự phòng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong trường hợp nó gặp vấn đề./.
Nguồn: Vân Đinh/zingnews.vn
Ông cho rằng các nhà hoạch định hệ thống điện của Trung Quốc hiểu được những thách thức mà họ phải đối mặt, và ngành công nghiệp này nói chung đang đi "đúng hướng".
Theo ông, đợt nắng nóng kỷ lục và tình trạng khan hiếm điện ở Tứ Xuyên cho thấy sự cần thiết phải cải tổ hệ thống lưới điện, bởi nếu không, "đây sẽ là một sự kiện có thể xảy ra 5 hoặc 10 năm một lần".