Giám sát chặt quá trình khai thác và sử dụng cát biển

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Giám sát chặt quá trình khai thác và sử dụng cát biển

Sau hơn 10 ngày khởi công khai thác cát biển, đến nay nguồn cát này đã được chuyển đến san lấp tại công trình thi công đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Quá trình khai thác, vận chuyển, đánh giá tác động môi trường khi san lấp được các cơ quan chức năng liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Đẩy nhanh thi công

Những khối cát biển đầu tiên được khai thác để phục vụ san lấp các công trình giao thông trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ đã về đến kênh xáng Huyện Sử, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Tại đây, cát biển trên các sà lan tiếp tục được bơm hút lên khu vực thi công thuộc gói thầu XL02 (đoạn qua địa phận huyện Thới Bình) để san lấp.

Ông Kiều Quốc Thanh, chủ một sà lan tham gia chở cát biển, cho hay: “Đây là lần đầu tiên cát biển được khai thác và vận chuyển đến nơi san lấp. Tôi thấy các thủ tục như đo đếm khối lượng, xuất hóa đơn, giám sát qua trạm… đều được các bộ phận liên quan thực hiện chặt chẽ, kỹ lưỡng”.

Sà lan chở cát biển xếp hàng tại kênh xáng Huyện Sử (Cà Mau) chờ bơm lên phục vụ công trình đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thông tin, phương pháp khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng là sử dụng vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Việc khai thác này được dàn trải để không tạo hố sâu, nhằm tránh xói lở xảy ra trước mắt cũng như về lâu dài. Sau đó, cát được vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000 - 3.000m3 vào khu vực tập kết. Khu vực biển khai thác cát được ngành chức năng giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép sử dụng là 7,5m, độ cao được phép sử dụng là 5m tính từ mặt nước biển. Thời hạn khai thác cát biển được tính từ thời điểm có quyết định giao khu vực biển đến hết ngày 21-12-2024.

Phối hợp giám sát môi trường

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết, đối với công tác quản lý khai thác, thi công cát biển, ban đã chỉ đạo nhà thầu tổ chức quản lý, khai thác, vận chuyển chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong suốt quá trình khai thác. Về phần giám sát, đánh giá mức độ tác động trong quá trình thi công sử dụng cát biển, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có văn bản thông tin đến UBND các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau để phối hợp giám sát môi trường. Ban cũng mời các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia công tác lấy mẫu, giám sát định kỳ.

UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu nhà thầu khai thác cát biển phải thống kê, kiểm kê, tổng hợp đầy đủ khối lượng khoáng sản khai thác; định kỳ ngày 25 hàng tháng báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi; phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác phải đăng ký đăng kiểm; đồng thời lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác. Ngoài ra, đơn vị được giao khai thác khoáng sản chỉ thực hiện từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thông tin, để thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát biển, tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành. Tổ này sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát khối lượng khai thác, các loại phương tiện, thiết bị khai thác, vận chuyển nhằm đảm bảo nguồn cát biển cung cấp đúng theo bản đăng ký.

Tháng 12-2023, Bộ TN-MT và Bộ GTVT đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL” tại khu mỏ B1 tỉnh Sóc Trăng.

Theo kết quả đánh giá, khu vực mỏ cát biển B1 có diện tích 32km2 (cách luồng Định An khoảng 20km) với tổng trữ lượng khoảng 13,9 tỷ m3. Trong đó, sản lượng cát biển có thể khai thác ngay vào khoảng 145 triệu m3, đủ điều kiện đáp ứng sử dụng làm vật liệu san lấp./.

Nguồn: Tuấn Quang - Tấn Thái/sggp.org.vn