Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết có 9 dự án nhà ở xã hội khởi công, động thổ nhưng sau đó "đứng hình" do vướng luật nhà ở, đất đai, tài sản công.
Thông tin trên được Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân nói tại phiên họp kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM sáng 1.4.
Ông Quân cho biết thị trường bất động sản quý 1/2023 tăng so cùng kỳ. Hiện TP.HCM đã chấp thuận 5 dự án nhà ở được phép huy động vốn, dự kiến đưa ra thị trường hơn 7.500 căn. Các doanh nghiệp cần 105.000 tỉ đồng nhưng gặp vướng mắc về các chính sách tài chính, ngân hàng.
"Các chính sách này được tháo gỡ thì việc huy động vốn và sản phẩm hình thành trong tương lai sẽ có lối ra", ông Quân nói.
Trong 5 chương trình, đề án của nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Quân dự báo có 4 chương trình khó đạt khả năng đề ra, gồm: công viên cây xanh, chiếu sáng, chống ngập và nhà ở, chỉ chương trình cấp nước sạch có khả năng hoàn thành.
Về nguyên nhân, các dự án về cây xanh, chiếu sáng, chống ngập khó hoàn thành do thiếu vốn.
Cụ thể, 3 chương trình này cần hơn 4.000 tỉ đồng, ngân sách thành phố chưa thể bố trí, còn xã hội hóa thì Chính phủ và các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể.
Nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM đang gặp vướng mắc về pháp lý - ĐÌNH SƠN
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM lo ngại nhất là chương trình phát triển nhà ở, bởi lẽ TP.HCM đặt mục tiêu đưa 50 triệu m2 sàn vào sử dụng trong nhiệm kỳ nhưng 2 năm đầu chỉ có 13,5 triệu m2.
Trong 3 năm còn lại, mỗi năm thành phố cần 12,5 triệu m2 sàn nhưng quý 1/2023 chỉ đạt khoảng 1 triệu m2 được cung ứng cho thị trường.
Đặc biệt, TP.HCM đặt mục tiêu có khoảng 35.000 nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân nhưng chỉ mới có 1 dự án hoàn thành với 260 căn.
Trong 18 dự án nhà ở xã hội đăng ký, có 9 dự án khởi công, động thổ nhưng đều vướng chính sách liên quan các luật nhà ở, đất đai, tài sản công.
Ông Quân cho biết đang tham mưu UBND TP.HCM phân nhóm dự án và xác định trách nhiệm tháo gỡ của từng sở, ngành.
Cụ thể, lĩnh vực đầu tư có 25 khu đất, lĩnh vực tài chính có 12 khu đất, lĩnh vực xây dựng có 11 khu đất, lĩnh vực đất đai có 4 khu đất, giải phóng mặt bằng có 5 khu đất.
"Nếu giải quyết được trên 60 dự án thì sản phẩm đưa ra thị trường trong quý 2 và các tháng cuối năm 2023 sẽ có chuyển động", Giám đốc Sở Xây dựng nhận định.
Ông Trần Hoàng Quân cũng cho rằng cần nghiên cứu, tính toán các chỉ tiêu chương trình phát triển đô thị, vì mong muốn rất lớn (công viên cây xanh, chiếu sáng, chống ngập, xử lý nước thải) nhưng nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn.
Do thời gian chuẩn bị các dự án đầu tư trong 3 năm tới không còn nhiều nên ông Quân đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu hoặc phải có giải pháp về tài chính.
Nguồn: Sỹ Đông/thanhnien.vn