Giải pháp nào cho tình trạng tràn lan quảng cáo vi phạm trên mạng?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Giải pháp nào cho tình trạng tràn lan quảng cáo vi phạm trên mạng?

 Từ đầu năm đến nay, 15 tổ chức, cá nhân, 73 trang thông tin điện tử vi phạm hoạt động quảng cáo trực tuyến đã bị xử phạt hành chính.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng nhằm chỉ ra thực trạng nhiều trang mạng xã hội, trong đó có YouTube, Facebook hiện vẫn đang cho người dùng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật như: chống phá Đảng, Nhà nước, thông tin sai sự thật, giật gân câu view... Nguy hại hơn, các kênh, trang, tài khoản đó vẫn được bật chức năng kiếm tiền, hiển thị quảng cáo. Mặc dù cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm nhưng chưa có nhiều chuyển biến.

Thực trạng quảng cáo vi phạm trên mạng

Bên cạnh những ưu thế, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các nhãn hàng, thương hiệu bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung sai sự thật; trái với thuần phong mỹ tục... Đây thực sự là nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, uy tín của các thương hiệu.

Quảng cáo gắn vào video xấu độc trên YouTube (Ảnh: Bộ TT&TT)

Đại diện một Công ty quảng cáo cho rằng: "Nhiều người viết nội dung số hiện tập trung nhiều vào giật tít câu view. Làm như vậy họ sẽ thu được tiền quảng cáo nhiều. Càng làm những cái gì câu view thì người xem càng xem nhiều".

Kết quả rà soát, kiểm tra, làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông với các đại lý quảng cáo, nhãn hàng cho thấy, vẫn tồn tại nhiều vi phạm quảng cáo như: nhiều đại lý quảng cáo và nhãn hàng chưa chủ động lựa chọn bộ lọc loại trừ vị trí có nguy cơ vi phạm; một số nền tảng quảng cáo xuyên biên giới chưa thực hiện thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông khi cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (Ảnh: Bộ TT&TT)

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - cho biết: "Những năm qua, quy định pháp luật chưa hoàn thiện đầy đủ thì nền tảng xuyên biên giới có nhiều lợi thế. Đến nay, chúng ta khẳng định rằng, cơ sở pháp lý ý chí của cơ quan quản lý đã hội tụ đầy đủ để mà đưa vấn đề này quản lý trên cùng một quy định của pháp luật. Và phải nhìn nhận quảng cáo là nguồn lực quan trọng để đi nuôi và phát triển những nội dung mà khi xem nội dung thì người ta sẽ xem quảng cáo đi liền với nó".

Với những vi phạm tiếp diễn hiện nay, việc siết chặt quản lý quảng cáo trên mạng là hết sức cần thiết.

Nghị định 70 về hoạt động quảng cáo

Ngày 20/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam.

Theo quy định của Nghị định 70, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google...) không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật.

Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Nguyên nhân quảng cáo vi phạm trên mạng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với tình trạng quảng cáo vi phạm trên mạng, nguyên nhân là do hầu hết các nhãn hàng, thương hiệu khi quảng cáo chỉ yêu cầu số lượng view nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng đến lợi nhuận thay vì kiểm soát xem quảng cáo gắn ở nội dung nào.

"Các nhà quảng cáo phải tìm cách quản trị nội dung quảng cáo sao cho nó đúng với ngữ cảnh, an toàn cho nhãn hàng. Hiện chỉ có hơn 9% các nhãn hàng lớn bị vô tình đặt vào những nội dung không an toàn. Khi đặt quảng cáo không đúng sẽ dẫn tới những scandal không lường trước cho nhãn hàng" - ông Huỳnh Long Thủy, đại diện một công ty quảng cáo  cho biết.

Quảng cáo gắn vào Instant Articles câu view trên Facebook (Ảnh: Bộ TT&TT)

Các đại lý quảng cáo cho rằng, lý do khác của việc quảng cáo vi phạm vẫn tiếp diễn là bởi việc sử dụng bộ lọc vi phạm của Google, Facebook hiện nay chưa đủ đảm bảo an toàn. Do bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo, các nền tảng không chủ động cập nhật website/tài khoản/kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, với quy định mới của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp danh sách đen (nội dung vi phạm) và danh sách trắng (nội dung sạch), vẫn có lo ngại về khoảng trống khi chuyển đổi giữa 2 danh sách này. Đây cũng sẽ là nguyên nhân khiến quản lý quảng cáo trên mạng khó khăn.

Quảng cáo trên môi trường mạng đang trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn do có nhiều lợi thế như khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Mức chi cho quảng cáo trực tuyến tăng dần qua các năm. Năm 2022 ước tính sẽ đạt 400 triệu USD.

Tuy nhiên, việc các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng và Nhà nước; sai sự thật; trái thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view; vi phạm bản quyền... không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của chính các thương hiệu. Cùng với các giải pháp quyết liệt từ cơ quan quản lý, các nhãn hàng cũng cần ý thức rõ quyền và trách nhiệm của mình.

Nguồn: VTV.VN