Sau kỳ điều chỉnh ngày 11.2, giá xăng RON 95 vượt mức 25.000 đồng/lít, lên mức cao nhất trong 8 năm. Thị trường vẫn tiếp tục "nóng" khi dự báo giá còn tăng tiếp. Liệu có giảm thuế để "chặn" đà tăng của xăng dầu?
Một lít xăng "cõng" nhiều thuế, phí
Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, trong phiên giao dịch ngày 18.2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 3.2022 ở mức 91,39 USD/thùng, giảm 0,37 USD/thùng trong phiên. Nếu so cùng thời điểm ngày 17.2, giá dầu WTI giao tháng 3.2022 đã tăng 0,30 USD/thùng.
Ông tính toán, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 21.2, giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít, bởi, đến hôm nay (18.2), ông dự tính giá xăng đã phải tăng lên mức 700-800 đồng/lít.
Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...).
Ví dụ, một thùng xăng chứa 158,97 lít, nên giá 1 lít xăng RON 95 tại cảng có giá khoảng 14.936 đồng. Theo công thức tính giá cơ sở, giá xăng RON 95 lúc này phải cộng thêm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.493 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.493 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.532 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.
Tổng chi cho 4 sắc thuế là 9.518 đồng/lít, tức chiếm 38% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95 (giá 25.322 đồng/lít).
Bên cạnh đó, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập Quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp. Như vậy, tổng chi cho các khoản thuế, phí đã lên tới 11.168 đồng/lít, chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.
Giá xăng dầu tiếp tục được dự báo tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh tới. Ảnh: Tùng Giang
Giảm thuế được không?
Ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát.
Từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Về quan điểm các khoản thuế đang chiếm tỉ trọng lớn trong giá xăng dầu, ông Tuấn cho rằng, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên tính ổn định tương đối cao, áp dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục theo kỳ 10 ngày 1 lần, biên độ điều chỉnh lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
"Chúng tôi luôn chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu để đề xuất giải pháp, trình cấp thẩm quyền quyết định; trong đó có xét tới yếu tố thuế, nhưng đây là cả quá trình", ông Tuấn nói.
Thực tế, để hỗ trợ ngành hàng không, thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay (nhiên liệu bay) đã giảm 30% trong năm 2021 và giảm 50% trong năm 2022, nên nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế này cho xăng dầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế, như vận tải khách đường bộ.
Theo Vụ Chính sách Thuế, các hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, rất khó khăn, Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để hỗ trợ và áp dụng từ năm trước, còn các ngành khác vẫn tiếp tục theo dõi.
Với thuế giá trị gia tăng, theo ông Tuấn, mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm không áp dụng giảm thuế từ 10% xuống 8% trong năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xăng dầu không áp dụng chính sách giảm thuế này.
Theo Vụ Chính sách Thuế, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế gồm thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) và thuế bảo vệ môi trường.
"Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được"
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân. Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, nhưng cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.
"Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vì đây thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Long cho hay.
Thuế Bảo vệ môi trường trong xăng dầu "tăng dần đều" qua các năm
Xăng dầu thuộc diện chịu Thuế Bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2012. Từ đó đến nay, Thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu đã qua nhiều lần tăng.
Ngày 1.1.2012: Xăng bắt đầu chịu Thuế Bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Dầu diesel mức thu 500 đồng/lít; dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờn mức thu 300 đồng/lít; mỡ nhờn mức thu 300 đồng/kg.
Tháng 1.5.2015: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác.
Ngày 1.1.2019: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng Thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung.
Theo đó, Thuế Bảo vệ môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường./.
Nguồn: Cường Ngô/laodong.vn