Hôm qua 24.2, giá vàng trong nước liên tục lập kỷ lục mới theo đà leo dốc của thế giới sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng nổ.
Vàng SJC lập kỷ lục mới
Giá vàng liên tục nhảy múa theo chiều hướng gia tăng mạnh. Tính chung vàng miếng SJC trong nước đã tăng 1,8 triệu đồng đến gần 4 triệu đồng/lượng, xác lập kỷ lục mới ở mức 66,8 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý SJC bán vàng ra lên 66,8 triệu đồng/lượng còn chiều mua vào 64,8 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji có giá bán ra lên 66,7 triệu đồng/lượng và mua vào 64,8 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, đến cuối ngày, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá bán là 65,65 triệu đồng/lượng, còn chiều mua vào là 64,95 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại VN lập kỷ lục mới trong hôm qua với 66,8 triệu đồng/lượng - KHẢ HÒA
Thị trường biến động mạnh khiến trang web của Công ty SJC phải “đứng hình” suốt buổi chiều hôm qua còn Ngân hàng Eximbank có khoảng 40 lần thay đổi giá trong ngày… Đáng chú ý, các đơn vị kinh doanh vàng đã kéo giãn chênh lệch giá mua và bán vàng miếng từ 700.000 đồng/lượng nhảy vọt lên đến 1,9 triệu đồng/lượng. Điều này sẽ đẩy hết rủi ro cho người mua vàng.
Kim loại quý đã liên tục đi lên trong những ngày qua từ căng thẳng của Nga với Ukraine. Cuối ngày hôm qua, giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm với mức sát 1.970 USD/ounce. Tuy nhiên, hiện vàng vẫn chưa thể chạm lại mức đỉnh đã lập lại ở mức 2.070 USD/ounce vào cuối tháng 8.2000. Nhưng một số nhà phân tích dự báo trong ngắn hạn, căng thẳng Nga - Ukraine có thể đưa giá vàng vượt mốc 2.000 USD/ounce. Chẳng hạn, ông Frank Holmes, Giám đốc điều hành của Quỹ các nhà đầu tư toàn cầu Mỹ, cho rằng vàng trong lịch sử đã hoạt động tốt trong các cuộc khủng hoảng chính trị và chứng kiến giá tăng cao hơn 50% so với mức hiện tại. Hiện vàng đang được định giá thấp, có thể dễ dàng chạy đến 2.500 hoặc 3.000 USD/ounce (khoảng 83 triệu đồng/lượng).
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC - Phú Thọ, cũng không kìm chế nổi sự ngạc nhiên khi thốt lên “vàng tăng nóng quá!”. Kim loại quý trong nước tăng theo thế giới là điều khó tránh khỏi. Sự kiện căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang và có những diễn biến khá bất ngờ đã giúp vàng tăng giá. Hiện chưa ai có thể xác định được vàng sẽ đến mức nào trong đợt tăng giá lần này vì còn phụ thuộc vào sự can dự của Mỹ vào tình hình giữa Nga và Ukraine đến đâu. Lịch sử vàng thường hay biến động mạnh khi có chiến tranh liên quan đến Mỹ vì giá vàng được xác định bằng USD. Nhưng hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới này chỉ mới ra lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề tài chính, còn quân sự thì chưa có hành động nào cụ thể. Trong trường hợp Mỹ can dự trực tiếp, gửi quân đến Ukraine hoặc gửi các thiết bị quân sự đến (chiến tranh ủy nhiệm) thì vàng sẽ tăng mạnh, vượt mức đỉnh cũ trên 2.063 USD/ounce là bình thường. Trong trường hợp Mỹ chỉ thực hiện cấm vận tài chính thì mức cản tâm lý 2.000 USD/ounce là khó vượt, lúc này vàng trong nước xoay quanh ở 65 - 66 triệu đồng/lượng.
Thận trọng kẻo mua vàng “đu đỉnh”
Ông Trần Thanh Hải phân tích, một điểm lạ trên thị trường vàng ngày 24.2 là gần như lượng người bán ra rất ít dù với giá cao này người mua trước đó đều có lời. Thế nhưng, các đơn vị kinh doanh vàng gần như không mua được khi đưa ra giá lên trên 64 triệu đồng/lượng. Có thể nhiều người đều chung nhận định giá còn tăng nữa khi cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết và lạm phát đang ở mức rất cao. Hiện yếu tố căng thẳng chính trị đang thắng thế nhưng ông Trần Thanh Hải nhận định vàng có thể quay đầu giảm mạnh trở lại. Bởi căng thẳng này chỉ là một phần còn nhiều nước đang đối phó với vấn đề lạm phát cao buộc các ngân hàng T.Ư phải có hành động kiểm soát bằng cách tăng lãi suất. Điều này sẽ kìm hãm đà tăng giá của kim loại quý. Khi căng thẳng chính trị giảm đi, hoặc các bên chịu ngồi lại nói chuyện với nhau, yếu tố tăng lãi suất áp đảo sẽ làm vàng trượt giá. Vì vậy, việc mua vàng thời điểm này phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhiều người, đây cũng có thể là thời điểm “lướt sóng” vàng khi đánh giá Mỹ can thiệp sâu vào căng thẳng giữa Nga và Ukraine, còn nếu chỉ dừng lại ở việc trừng phạt kinh tế thì nên “đánh nhanh, rút gọn”.
Còn TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng phản ứng của thị trường tài chính trong hôm qua là bình thường khi xung đột chính trị leo thang. Trong đó, vàng luôn được xem là tài sản đảm bảo an toàn còn ngược lại chứng khoán là tài sản rủi ro nên sẽ bị bán tháo. Nhưng đặc điểm của thị trường vàng VN khác với thế giới nên nguy cơ rủi ro rất cao. Nhất là khi các công ty vàng đã kéo giãn mức chênh lệch mua và bán lên mức kỷ lục. Ngay cả các công ty kinh doanh vàng trang sức cũng neo giá theo vàng miếng nên dù mua vàng nhẫn hay miếng thì khách hàng cũng dễ bị thua lỗ. Riêng thị trường chứng khoán chủ yếu bị tác động tâm lý nên sẽ phục hồi nhanh hơn, nhất là thanh khoản trong phiên hôm qua đã tăng mạnh cho thấy dòng tiền chờ mua giá thấp khá nhiều.
“Theo tôi chiến sự ở Nga và Ukraine sẽ không thể kéo dài lâu vì nhiều yếu tố ảnh hưởng trên thế giới. Vì vậy, nếu mua vào lúc giá lên đỉnh hiện nay và nhất là biến động quá mạnh thì quá rủi ro. Giá vàng có thể tăng gần 4 triệu đồng/ngày thì cũng có thể giảm ở mức đó, thậm chí còn mạnh hơn chỉ sau một đêm vì không có biên độ như giao dịch chứng khoán”, TS Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.
Chứng khoán nhiều nơi sụt giảm
Hôm qua, thị trường chứng khoán khắp nơi chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư có tâm lý bán tháo cổ phiếu. Chốt phiên, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán VN đều đi xuống như VN-Index giảm 17,45 điểm, tương đương giảm 1,15% xuống 1.494,85 điểm; HNX-Index giảm 7,66 điểm, tương đương giảm 1,73% xuống 434,88 điểm. Thanh khoản tăng mạnh với tổng giá trị khớp lệnh đạt 41.113 tỉ đồng, tăng 57% so với phiên trước đó. Thị trường nhiều nơi từ châu Á đến châu Âu cũng sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 3,21%, Shanghai của Trung Quốc giảm 1,7%, Nikkei của Nhật sụt 1,81%, Kosdaq của Hàn Quốc lao dốc 3,32%, S&P/ASX 200 của Úc giảm 2,98% hay Straits Times của Singapore bốc hơi gần 4%... Còn thị trường chứng khoán châu Âu tính đến 18 giờ VN, chỉ số Euro Stoxx 50 của khu vực Europe giảm 4,4%, FTSE của Anh mất 2,67%, OMX Copenhagen của Đan Mạch lao dốc 3,3% hay CAC của Pháp bốc hơi hơn 4%.../.
Nguồn: Mai Phương - Thanh Xuân/thanhnien.vn