Giá thép sẽ neo ở mức trên 20 triệu đồng/tấn?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Giá thép sẽ neo ở mức trên 20 triệu đồng/tấn?

Giá thép trong nước sẽ rất khó giảm nhanh, thậm chí có thể tiếp tục tăng giá và neo ở mức trên 20 triệu đồng/tấn khi những khó khăn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới chưa ổn định.

Cùng với sự tăng giá nhiều loại mặt hàng, thời gian gần đây giá thép xây dựng cũng có bước tăng đột biến, đáng kể từ đầu tháng 3 đến nay. Khảo sát tại một số đại lý vật liệu xây dựng cho thấy, giá thép cuộn đang được bán tại các đại lý ở mức 20,3 triệu đồng/tấn; thép cây 22,2 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, thép cuộn Việt Đức được bán ở mức gần 20 triệu đồng/tấn; thép cây 19,8 triệu đồng/tấn. Mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo chị Ngọc Nhữ, Chủ đại lý thép tại phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng luôn có xu hướng tăng và đại lý đã phải nhiều lần điều chỉnh. “Giá thép bán ra thị trường nay đã chạm mức 21 triệu đồng/tấn, cao 40% so với những tháng cuối năm 2021. Dù dự báo giá thép sẽ tiếp tục tăng, nhưng cửa hàng cũng không thể lấy thêm hàng với số lượng lớn do sắp sang mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm và dự kiến giá thép còn có thể tiếp tục điều chỉnh”, chị Nhữ cho biết.

Giá thép xây dựng có xu hướng tăng từ đầu năm 2022.

Do giá thép tăng mạnh và liên tục khiến cho nhiều công trình xây dựng phải điều chỉnh mức vốn đầu tư. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Tiên Phong, chủ công trình xây dựng tại Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), với giá thép tăng nhanh như hiện nay, căn nhà 5 tầng anh đang thi công đã bị đội chi phí. “Do trình vẫn cần thêm khoảng hơn 20 tấn thép để hoàn thiện nên mình vẫn phải mua và với mức tăng giá thép hiện nay, chi phí cho công trình đã tăng thêm 40 triệu đồng”, anh Phong bày tỏ.

Từ đầu tháng 3 đến nay, các DN sản xuất thép trong nước đã có nhiều lần điều chỉnh giá. Mới đây nhất,  Tập đoàn Hòa Phát đã thông báo tăng giá 600.000 đồng/tấn với thép cây và thép cuộn xây dựng với nguyên nhân là do giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng tác động đến giá bán sản phẩm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao khiến giá thép tăng lên trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia dự báo, thời gian tới, cùng với giá nguyên liệu tăng, việc các dự án đầu tư công, bất động sản được đẩy tiến độ xây dựng, giá thép có thể tiếp tục neo cao.

Tại Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tập trung đôn đốc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1… là những là động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành thép trong năm nay.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thép thời gian tới cũng có thể diễn biến tăng theo giá các nguyên liệu sản xuất cùng các yếu tố đầu vào như than mỡ luyện cốc, thép phế...đều tăng mạnh trên thị trường thế giới.

VSA mới thông tin, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia giao dịch ở mức 627 USD/tấn, tăng mạnh 235 USD so với đầu tháng 2 vừa qua. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ năm 2021 đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép. Giá quặng sắt loại (62% Fe) giao dịch ở mức 162-162,50 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 12 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 2/2022.

Giá thép cán nóng (HRC) ở mức 890 USD/tấn CFR cảng Đông Á, tăng khoảng 90 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2022. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Nhiều chuyên gia ngành thép còn cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất thép, cùng với căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine chưa thể ổn định ngay nên giá thép sẽ chưa thể trở lại mặt bằng giá thấp hơn.

Giá thép tăng cao khiến giá thành công trình xây dựng tăng theo.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép lý giải, giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế… đều đã tăng mạnh. Cùng với đó nhu cầu xây dựng, các dự án trong nước đã trở lại hoạt động khiến lượng tiêu thụ thép tăng cao. “Ngoài ra, không thể không nói tới yếu tố căng thẳng tại Nga - Ukraine như một tác nhân đẩy giá thép tăng đột biến hơn”, ông Nguyễn Văn Sưa nói.

Với diễn biến hiện tại, vị chuyên gia này dự báo, giá thép trong nước sẽ rất khó “hạ nhiệt” nhanh chóng, ngược lại có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo ở mức giá cao trên 20 triệu đồng/tấn thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.

“Thị trường đang ở trong tình trạng gián đoạn nguồn cung và gặp sự tăng giá đột ngột. Nga là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng như dầu, khí, thép… nhưng thị trường này đang có vấn đề khiến nguồn cung thiếu hụt nên rất khó nói trước về giá các mặt hàng trong tương lai. Tuy nhiên khi tình hình thế giới trở lại ổn định, giá nguyên vật liệu sản xuất giảm thì giá thép trong nước sẽ hạ nhiệt”, ông Nguyễn Văn Sưa nhận định./.

Nguồn: Nguyễn Quỳnh/vov.vn