Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn khi kế hoạch vốn cả năm trên 700.000 tỉ đồng.

 

Trước tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân rất thấp, nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 749/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Nhận diện vướng mắc

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng 6 và 7-2023 đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn khi kế hoạch vốn lên tới trên 700.000 tỉ đồng.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2023 đạt trên 267.625 tỉ đồng, bằng 37,85% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ năm trước (34,47%).

Bộ Tài chính cho biết 12 bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao như: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,3%), Long An (54,29%), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Ngân hàng Nhà nước (63,38%), Ngân hàng Chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (47,14%). Có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.

Ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 7-2023 của TP Hà Nội là 17.002 tỉ đồng, đạt 36,2% kế hoạch. Kết quả này của TP Hà Nội cao hơn cùng kỳ năm trước và đang cao hơn mức trung bình của cả nước.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Quảng Ninh, ước tính đến hết tháng 7, địa phương này giải ngân được gần 4.300 tỉ đồng, đạt 31% so với kế hoạch giao đầu năm, thấp hơn tỉ lệ giải ngân bình quân cả nước (35%).

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, tháng 6 và 7-2023 là 2 tháng liên tiếp có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, cơ quan này cũng nhận thấy nhiều bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân thấp, không có chuyển biến nhiều qua các tháng.

Bộ KH-ĐT cho biết thời gian qua, 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã làm việc với các địa phương trên cả nước, qua đó ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc nổi bật. Cụ thể, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm là do việc ban hành văn bản quy định và phân bổ các nguồn vốn thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia chậm.

Thi công khu vực nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM - một công trình sử dụng vốn đầu tư công.Ảnh: Hoàng Triều

Theo Bộ KH-ĐT, việc tính toán giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, đất lúa mất nhiều thời gian; giá nguyên vật liệu tăng cao; các dự án giao thông cần một khối lượng lớn đất cấp phối để phục vụ thi công nhưng thời gian xin giấy phép khai thác mỏ dài và số lượng mỏ đất đá hạn chế... cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn.

Bên cạnh đó, các vướng mắc được địa phương phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư như giao đất, thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa. Bộ KH-ĐT nhấn mạnh các vướng mắc về thủ tục đầu tư công, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, thẩm định thiết kế cơ sở… cũng khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Để giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch, tại công điện vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về giải ngân vốn đầu tư công. Trường hợp cán bộ, công chức trì trệ, năng lực yếu kém hay nhũng nhiễu sẽ bị xử lý, thay thế.

Theo Thủ tướng, cần đẩy nhanh việc phân bổ vốn đầu tư công, vốn của chương trình phục hồi kinh tế, các dự án trọng điểm, đường cao tốc gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các đơn vị phải lập kế hoạch chi tiết từng dự án, tháo gỡ khó khăn và coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, về đất đai, tài nguyên.

Thủ tướng cũng giao các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan việc cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Về phía địa phương, để thúc đẩy tiến độ giải ngân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện rà soát, khắc phục khâu vướng mắc lớn hiện nay là về mặt bằng, sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, nâng cao vai trò chủ đầu tư để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả.

Bộ Tài chính cho biết tổng vốn đã giao cho dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là 119.644,586 tỉ đồng; ước giải ngân đến ngày 31-7-2023 là 31.442,7 tỉ đồng.

Riêng số vốn giao thực hiện năm 2023 của dự án này là 45.226 tỉ đồng, chiếm 28% tổng mức đầu tư, toàn bộ là từ nguồn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn vốn có thời hạn giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023. Để bảo đảm dự án giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao năm 2023 đúng thời hạn quy định (ngày 31-1-2024), Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh quá trình nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng.

TP HCM: Triển khai ngay các dự án đã được phân vốn

Xác định đầu tư công là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, là "vốn mồi" để dẫn dắt đầu tư xã hội, từ đầu năm 2023, lãnh đạo TP HCM đã yêu cầu các đơn vị quyết liệt tập trung triển khai các dự án, nhất là khi kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chỉ gần 70%. Đối với các dự án đã phân bổ vốn, chủ đầu tư cần có kế hoạch triển khai ngay.

So với quý I/2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM đã cải thiện rõ rệt trong quý II khi giá trị giải ngân đạt hơn 14.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 23% - dù thấp hơn mục tiêu đặt ra nhưng cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Một số dự án trọng điểm, vốn lớn, có tính liên kết vùng đã được khởi công, như đường Vành đai 3.

Tính đến tháng 8-2023, UBND TP HCM cơ bản đã giao gần như toàn bộ vốn đầu tư công của năm là hơn 68.490 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 97% trên tổng mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (70.518 tỉ đồng). Đến ngày 4-8, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân là 18.646 tỉ đồng, chiếm 27,2% tổng số vốn giao.

Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đến cuối năm đạt ít nhất 95% theo kế hoạch đề ra, TP HCM đang tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp trong những tháng còn lại của năm. Các địa phương đang rà soát, xây dựng giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, giải ngân, thanh toán, quyết toán và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; theo dõi, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức và bí thư các quận ủy, huyện ủy phải xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi địa phương; hằng tuần họp giao ban kiểm tra tiến độ và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn bồi thường và tiến độ thực hiện chung của các dự án. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao thường xuyên theo dõi tiến độ giải ngân, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Đối với các đơn vị, chủ đầu tư để tỉ lệ giải ngân đến tháng 9-2023 dưới 30% do lỗi chủ quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập danh sách, đề xuất UBND TP HCM phê bình và Sở Nội vụ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ quý III/2023.

TP HCM sẽ ưu tiên xem xét, lựa chọn đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện vượt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Nguồn: Phan Anh/cafe.vn