Ép học tự nguyện, liên kết: Bộ nói sai, sao vẫn tiếp diễn?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Ép học tự nguyện, liên kết: Bộ nói sai, sao vẫn tiếp diễn?

Việc phụ huynh buộc phải 'tự nguyện' cho con tham gia các môn học ngoại khóa, liên kết với nhiều hình thức biến tướng tinh vi khiến dư luận 'bất tín' với giáo dục, còn học sinh thì ngày càng quá tải.

Rất nhiều chỉ đạo, chấn chỉnh

Năm học trước, khi báo chí và dư luận phản ánh tình trạng chèn các môn học, hoạt động tự nguyện vào giờ học chính khóa ở nhiều nơi, Bộ GD-ĐT đã ra 2 văn bản (tháng 9 và tháng 12.2023) yêu cầu các sở GD-ĐT rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa; nếu triển khai cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không được bố trí thời gian học xen giữa các tiết học chính khóa.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: "Việc chèn môn học, hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ chính khóa là sai quy định".

Vụ trưởng Thái Văn Tài phân tích cụ thể: Với tiểu học, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định dạy học 2 buổi/ngày với số tiết bắt buộc thực hiện theo chương trình là 7 tiết/ngày. Đó là những tiết chính khóa mà các trường dù thiết kế thế nào cũng phải dạy hết tất cả các môn học bắt buộc, học sinh (HS) phải được đảm bảo học công bằng như nhau. Đó là nhiệm vụ của các trường.

Khi đã hoàn thành đủ 7 tiết/ngày mà giáo viên (GV) vẫn chưa thực hiện hết các định mức giờ dạy thì lúc này các nhà trường phải thiết kế hoạt động tăng cường và phải dùng chính lực lượng của mình để thực hiện.

Việc tổ chức các hoạt động tăng cường này có 2 tình huống: Một là GV đang có trong định mức thì phải sử dụng hết định mức. Hai là dạy học tăng cường theo nhu cầu của người học, ví dụ học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, thể dục, thể thao… Với tình huống dạy học tăng cường thứ hai thì phải thiết kế theo nhu cầu của từng HS, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, chứ không được bố trí theo đơn vị lớp và phải dạy ngoài giờ học chính khóa.

Tuy nhiên, năm nay tình trạng này vẫn tiếp diễn với nhiều hình thức tinh vi và biến tướng. Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Báo Thanh Niên mong mỏi sự chỉ đạo dứt khoát, quyết liệt từ ngành GD-ĐT chứ không chỉ ra văn bản chấn chỉnh rồi phó mặc cho các trường.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay năm học này Sở vẫn tiếp tục yêu cầu các phòng GD-ĐT quản lý, chấn chỉnh các trường, không để phụ huynh bức xúc vì dạy học liên kết.

Cần sòng phẳng, rõ ràng 

Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội mới đây cũng phản ánh cử tri và nhân dân bày tỏ bức xúc khi trong chương trình học của HS tiểu học có tình trạng trường đưa các môn học tự nguyện đăng ký chương trình dạy liên kết vào giảng dạy chính khóa và thu tiền. Ví dụ chương trình làm quen tiếng Anh, tiếng Anh thông qua ngôn ngữ toán - khoa học… với HS lớp 1, lớp 2.

"Phụ huynh như trong thế bắt buộc phải đăng ký, vì môn học nằm trong giờ học chính của HS. Cử tri cho rằng đây như là một trong các hình thức "dạy thêm - học thêm", cần có giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn trong thời gian tới", báo cáo nêu.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương nhìn nhận thực tế phụ huynh có thể cho con đi học các môn tăng cường hay tiếng Anh theo chương trình nước ngoài ở các trung tâm ngoài nhà trường tốn kém hơn nhưng việc đưa các môn học liên kết vào trường công kiểu như vậy khiến phụ huynh và dư luận "bất tín" với giáo dục. Do vậy, ngành giáo dục cần sòng phẳng trong vấn đề này, cơ chế chính sách cần làm rõ hợp tác công - tư.

"Đã có trường nào dám thử khi cho phụ huynh đăng ký cho con tham gia các tiết "liên kết" bằng cách bỏ phiếu kín (không cho GV và nhà trường biết con mình tham gia hay không) chưa?", thầy Phạm Văn Công, GV Trường tiểu học Kỳ Đồng (H.Hưng Hà, Thái Bình), nêu ý kiến.

Thời khóa biểu chèn các môn tự nguyện, liên kết khiến phụ huynh bức xúc - ẢNH: PHHS CUNG CẤP

Phải quan tâm đến "sức tải" của người học 

Xét ở khía cạnh "vừa sức" với HS, PGS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), lưu ý việc dạy thêm, học thêm dù tự nguyện, ngoài giờ chính khóa cũng cần phải bảo vệ HS khỏi sự quá tải do kỳ vọng của xã hội và người lớn về khối lượng học tập; bảo vệ HS khỏi xung đột lợi ích có thể dẫn đến bị phân biệt đối xử trong lớp học chính khóa, đảm bảo người dạy không lơ là chương trình chính khóa để tập trung vào dạy thêm, đảm bảo những HS trong gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn nhận được những sự hỗ trợ cần thiết trong khuôn khổ giờ học chính thức.

Theo PGS Trần Thành Nam, việc học thêm chỉ thực sự có hiệu quả khi được thực hiện có mục tiêu cụ thể, vừa sức và không mang tính đe dọa. Làm cho con cái "ngập đầu ngập cổ" với học thêm sẽ làm suy giảm khả năng sáng tạo và tăng cao nỗi sợ hãi với sự học.

PGS Lê Minh Nguyệt, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), nêu: Việc sắp xếp thời khóa biểu, thời lượng học tập của HS phải đảm bảo theo các nguyên tắc của sức khỏe học đường như "sức tải" của HS, khả năng tập trung chú ý của HS theo đặc điểm lứa tuổi, thời gian hao phí vô hình do di chuyển địa điểm học tập giữa các tiết học…

Theo PGS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, lãnh đạo các trường, ban giám hiệu phải chỉ rõ các môn học tự chọn phù hợp theo từng cấp học, lứa tuổi. Điều này cần bàn bạc kỹ càng, có sự trao đổi của lãnh đạo nhà trường, xin ý kiến của phụ huynh đầy đủ và báo cáo sở GD-ĐT.

"Tôi cho rằng không nên để HS phải học quá nhiều, nên có mức độ, chương trình phù hợp với lứa tuổi. Nhà trường định hướng môn học nào cần thiết nhất, cấp thiết nhất cho các em, không để HS rơi vào tình trạng quá tải, áp lực. Phải có sự cân đối để các em được phát triển toàn diện", PGS Bùi Thị An nói./.

Nguồn: Tuệ Nguyễn/thanhnien.vn