Vừa mới phát sóng được 2 tập, trên trang fanpage, êkip sản xuất chương trình Sao nhập ngũ đã gửi thư xin lỗi.
Lý do là trong tập 2 đưa lên YouTube đã có lời bài hát khá phản cảm vào chương trình, một số bản nhạc được chèn vào không phù hợp với nội dung quân đội.
Theo nhà sản xuất, bản phát sóng trên kênh YouTube chương trình là bản dài hơn với truyền hình và thường được biên tập theo hướng giải trí hơn.
1. Hai tập Sao nhập ngũ phát sóng cho thấy màn đối lập khá lớn giữa một bên là vẻ trang nghiêm của môi trường quân đội, thái độ nghiêm khắc của thủ trưởng quân đội và một bên là sự "lầy lội" của nghệ sĩ tham gia.
Ở những mùa đầu, mỗi tập chương trình chỉ có 30 phút, các mùa sau này được đẩy lên thành hơn 60 phút/tập. Kết quả là ngoài việc chèn nhạc và làm hiệu ứng quá đà, một số chi tiết được đẩy lên quá mức.
Cụ thể như tập 1, câu chuyện về sự... hôi nách và băng vệ sinh lót giày của Duy Khánh được nhắc đi nhắc lại một cách kém duyên. Từ chương trình mang nhiều tính trải nghiệm về đời sống người lính và có sự nghiêm túc, các tình tiết cô đọng, Sao nhập ngũ đang dần biến thành show hài với chi tiết lố và dài lê thê...
Sự việc xảy ra với Sao nhập ngũ là một ví dụ mới nhất trong việc "mất kiểm soát" nội dung chương trình truyền hình phát lại trên YouTube với mục tiêu gây sự chú ý, thu hút khán giả online.
Trước đó, một số tập trong Bạn muốn hẹn hò phát trên YouTube bị phản ứng khi đưa ra những câu thoại gây phản cảm, hoặc những chương trình ca hát lại đậm chất nhảm với màn tung hứng "tự nhiên như ở nhà" của các nghệ sĩ tham gia...
2. Theo một nhà sản xuất, các nhà tài trợ đang rất quan tâm đến lượt xem chương trình trên nền tảng số mà đặc biệt là YouTube.
Lý do là vì với nền tảng truyền thống như tivi, lượt xem khán giả đang dần thu hẹp, rating tivi dần trở thành yếu tố phụ trong việc quyết định sự thành - bại cho một chương trình, cũng như không còn là chỉ số chính để cam kết với nhà tài trợ.
Triệu view, top thịnh hành YouTube mới là thước đo chính để nhà sản xuất hoàn thành chỉ tiêu cam kết với tài trợ.
Ông Hoàng Duy, phụ trách truyền thông cho một công ty hiện đang sản xuất nhiều chương trình truyền hình, cho biết: "Thường các nhà làm show sẽ đi tìm tài trợ trước khi sản xuất. Họ sẽ cam kết một lượng view nhất định để nhãn hàng "nhảy" vào chương trình.
Đôi khi nhãn hàng cũng sẽ chi phối nghệ sĩ nào xuất hiện trong show họ tài trợ. Mặt khác, nhà sản xuất cũng áp lực tìm nội dung tốt và diễn viên có khả năng kéo view để mời vào show".
Không chỉ vậy, theo ông Hoàng Duy, trong hợp đồng có điều khoản cam kết với tài trợ cả số view trên YouTube, Facebook, TikTok. Nếu thiếu so với hợp đồng, nhà sản xuất cũng phải "đền" tùy theo từng trường hợp.
3. Êkip viết kịch bản Thử thách trốn thoát - chương trình truyền hình đang có lượng view trên YouTube đạt cao (từ trên 700.000 đến hơn 2 triệu lượt người xem/tập) - cho biết họ thấy stress nặng vì áp lực view. Thanh Tú, một biên kịch của chương trình Thử thách trốn thoát, cho biết:
"Ngoài kịch bản thì sự khó lường của quy mô, áp lực về thời gian sản xuất là những điều nhóm biên kịch lo lắng nhất. Việc quay hình cuốn chiếu thật sự là thử thách cũng như... "ác mộng" với khâu nội dung, khi vừa quay 4 tập thì tập 1 đã phát sóng".
Vậy làm thế nào để chương trình thu hút khán giả cả trên truyền hình lẫn YouTube mà không bị phô? Bài toán để hài hòa cả tính giải trí cùng nội dung tiết chế, tinh tế phải chăng cũng khó giải như đề bài làm sao dẫn đầu "top thịnh hành", "top trend"...
Nguồn: Hoàng Lê/tuoitre.vn