Được bồi thường 10%/năm khi chậm hoàn thuế?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Được bồi thường 10%/năm khi chậm hoàn thuế?

Luật Quản lý thuế bãi bỏ quy định tính lãi bồi thường trong chậm hoàn thuế và quy trách nhiệm cho cán bộ thuế. Quy định này được đánh giá có thể giải quyết nhanh hồ sơ hoàn thuế nhưng thực hiện bồi thường trong trường hợp chậm hoàn thì khó khả thi.

Bỏ hay không thì DN cũng có bao giờ được bồi thường

Cụ thể, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính kiến nghị bãi bỏ khoản 3 điều 75 trả tiền lãi cho người nộp thuế (bao gồm doanh nghiệp (DN), cá nhân, hộ kinh doanh…) khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm với mức tính lãi là 0,03%/ngày.

Bộ Tài chính lý giải việc trả lãi này "chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và kinh phí nên hiện nay cơ quan thuế chưa có cơ sở để thực hiện".

Trong khi luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm; trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức 20%/năm, tức 10%/năm. Như vậy, quy định về mức lãi phải trả không thống nhất. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị bỏ khoản 3 điều 75.

Bên cạnh đó, dự thảo kiến nghị bổ sung quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế để phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Theo Bộ Tài chính, pháp luật về quản lý thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức trong quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế.

Thực tế đã xảy ra tại Cục Thuế TP.HCM, một số công chức đã bị tòa án kết tội và phải thực hiện án phạt tù. Vụ án này gây tâm lý hoang mang, thận trọng trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế của các công chức thuế trên toàn quốc, làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế. Quy định hiện nay thì người nộp thuế có trách nhiệm "tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm".

Người nộp thuế được bồi thường tiền lãi 10%/năm khi chậm hoàn thuế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cơ quan thuế sẽ thực hiện hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Mặc dù hiện nay đã áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng nhiều vụ việc mua bán hóa đơn với số tiền thuế lớn vẫn bị cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua. Do đó, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau phải quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế. Họ chỉ chịu trách nhiệm theo các thông tin trên hồ sơ DN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp mà không phải chịu trách nhiệm khi DN gian lận trong việc kê khai và cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác dẫn đến giải quyết hoàn thuế cho DN không đúng quy định.

Một số giám đốc DN cho rằng DN chỉ mong nhận tiền hoàn thuế đúng theo thời gian quy định, việc đòi cơ quan thuế tính tiền lãi khi hồ sơ hoàn chậm giải quyết kéo dài vài tháng, vài năm rất xa vời. Thực tế bao năm qua, nhiều DN như cao su, gỗ… bị chậm hoàn thuế nhưng làm gì có ai được bồi thường.

"Còn về trách nhiệm của cơ quan, cán bộ thuế, trong thời gian qua, công chức thuế phải thực hiện việc xác minh hóa đơn của DN mua hàng từ F1, F2, F3… Fn, xác minh DN mua hàng (cả ở nước ngoài) đúng không mới ký quyết định hoàn thuế nên thời gian kéo dài. Nếu quy định cán bộ thuế không phải chịu trách nhiệm vấn đề xác minh hóa đơn qua các khâu mua bán, mà chỉ có trách nhiệm đối chiếu hóa đơn đầu vào, đầu ra, tờ khai hải quan… khớp thì giải quyết hồ sơ. Khi phân định rõ ai làm sai người đó chịu, DN sai thì DN chịu, cán bộ sai cán bộ chịu như dự thảo luật Quản lý quy định thì hy vọng hồ sơ hoàn sẽ nhanh hơn", giám đốc một DN chia sẻ.

Giám đốc một công ty tiết lộ, hiện có tình trạng DN chuyển hồ sơ "chưa chính thức" cho cán bộ thuế xem trước, khi nào hồ sơ hoàn chỉnh rồi mới nộp chính thức, lúc này mới ghi nhận thời gian giải quyết, không bị chậm so với quy định đưa ra.

"Nếu bãi bỏ trách nhiệm của công chức thuế khi DN kê khai sai, thì thái độ thực hiện công việc của công chức thuế trong thực hiện việc kiểm tra ra sao, sẽ có sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh và làm giá với DN hay không nếu DN cần nhanh?", vị giám đốc đặt vấn đề.

Cần đẩy nhanh giải quyết hồ sơ hoàn thuế

LS Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đánh giá: "Quy định trả lãi bồi thường 0,03%/ngày cho người nộp thuế nếu hoàn chậm nhưng nhiều năm nay không thực hiện được nên đó chỉ là quy định về mặt hình thức. Vì thế, việc bãi bỏ quy định bồi thường này nhằm thống nhất với quy định luật Trách nhiệm bồi thường là điều cần thiết, bởi luật này nói rõ nguồn bồi thường. Thế nhưng, quy định này cũng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề đòi bồi thường cho DN, cá nhân bị chậm hoàn thuế. Bởi, cơ quan thuế, cán bộ thuế là nơi theo dõi tình trạng hồ sơ thuế rõ nhất, biết có bị chậm hay không.

"Nhưng thời gian qua nhiều DN, cá nhân bị chậm hoàn thuế nhưng có thấy vụ việc nào trả lãi cho số tiền chậm hoàn này đâu. Nay chuyển qua thi hành theo luật Trách nhiệm bồi thường, ra tòa án thì trường hợp kiện đòi bồi thường lãi cho số thuế hoàn sẽ rất hy hữu. Thực tế, DN, cá nhân nợ thuế thì hệ thống tự động nhảy lãi phạt chậm nộp. Vậy tại sao hệ thống thuế không thể ghi nhận trường hợp hồ sơ hoàn chậm sẽ tự động nhảy lãi?", LS Xoa đặt vấn đề

Điều quan trọng nhất ở đây theo ông Trần Xoa là các quy định sửa đổi, bổ sung làm sao để có giải quyết được tình trạng chậm hoàn, gây ách tắc như thời gian qua. Luật Quản lý thuế quy định rõ về thời gian hoàn thuế, cũng như trường hợp nào hoàn thuế trước - kiểm tra sau.

Thế nhưng, những quy định dưới luật đã khiến cho hồ sơ hoàn thuế của DN kéo dài. Chẳng hạn như quy định xác minh hóa đơn của F1, F2, F3…, xác minh người mua hàng có chính xác không (kể cả việc xác minh DN ở nước ngoài). Một vấn đề mới phát sinh gần đây đó là cơ quan thuế chuyển qua cơ quan công an xác minh hóa đơn chứng từ của DN đang hoàn thuế có gì không… Chính vì vậy, khi dự thảo đề cập đến trách nhiệm của cán bộ thuế mà những quy định dưới luật như thế này không bỏ thì liệu hồ sơ hoàn thuế có được giải quyết nhanh hay chỉ làm "sạch" trách nhiệm?

Theo ông Trần Xoa, việc quy định mức bồi thường tiền lãi 10%/năm hay 10,95%/năm (0,03% x 365 ngày) không quan trọng bằng việc cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế đúng theo quy định. DN chỉ mong mau nhận lại được tiền thuế hoàn để giải quyết nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mua nguyên vật liệu thực hiện các đơn hàng, trả lương cho cán bộ công nhân viên, có tiền trả ngân hàng chứ không bị rơi vào tình trạng nợ xấu…

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Hội Doanh nghiệp TP.HCM), nhấn mạnh: Trong pháp luật dân sự, bình đẳng là một nguyên tắc hiến định và được ghi nhận đầu tiên trong các nguyên tắc của pháp luật dân sự. Theo đó, khi người nộp thuế bị xâm hại quyền, lợi ích do hành vi sai trái của cán bộ thuế, cơ quan thuế thì có quyền kiện lên các cấp tòa án có thẩm quyền.

"Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường. Luật Quản lý thuế chỉ cần quy định khi người nộp thuế bị xâm hại quyền, lợi ích do hành vi sai trái của cán bộ thuế, cơ quan thuế thì có quyền kiện lên các cấp tòa án có thẩm quyền. Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường. Nếu có dấu hiệu rõ ràng về tội cố ý làm trái, xâm hại, tham nhũng... thì mới hình sự. Nếu tất cả đều xử lý bằng luật hình sự thì cũng chưa phải là tốt, cần xử lý bằng các luật khác", ông Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.

" DN, cá nhân rất ngại kiện cơ quan thuế ra tòa chứ nói gì đến việc đòi tiền lãi. Quy định hoàn thuế trong luật hiện nay rất rõ ràng, chỉ cần thực hiện thủ tục hoàn thuế, không né tránh, không phát sinh những quy định dưới luật… thì hồ sơ hoàn nhanh, cơ quan thuế hay cán bộ thuế không phải chịu trách nhiệm bồi thường lãi. - LS Trần Xoa"

Nguồn: Thanh Xuân/thanhnien.vn