Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Dùng Molnupiravir không thể ngó lơ 3 điều "sống còn"

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Dùng Molnupiravir không thể ngó lơ 3 điều "sống còn"

Uống Molnupiravir nửa chừng thấy “hành” hay tự nhiên thấy lo tác dụng phụ nên bỏ ngang thì càng phiền.

Thứ nhất, suy nghĩ người trẻ khỏe mới "chịu nổi" thuốc kháng virus, còn người có tuổi, có bệnh nền dùng thì lại lo, là không đúng.

Ngược lại, người cao tuổi, người có bệnh nền, người có vấn đề gì đó mà chưa tiêm đủ vắc-xin tức những người có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 mới là những người cần đến thuốc kháng virus như Molnupiravir.

Còn người trẻ tuổi, khỏe mạnh, tiêm ngừa đủ rồi thì mới là không cần thiết. Uống cũng không sao, nhưng có khi phí thuốc vì trẻ, khỏe và vắc-xin đã đủ để nếu có mắc bệnh thì bệnh sẽ nhẹ. Cũng không nên nghĩ là uống rồi sẽ ít virus, bớt lây cho người khác. Với những biến thể mà tải lượng virus cao như Omicron, giảm mấy cũng vẫn đủ lây, quan trọng là tự cách ly.

Riêng thai phụ, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em dưới 18 tuổi tuyệt đối không dùng Molnupiravir.

Thứ hai, đã uống thì phải đúng ngày, đủ ngày. Molnupiravir thì phải uống đủ 5 ngày, không được uống nửa chừng rồi bỏ ngang, vì như vậy sẽ gây lờn thuốc. Theo tôi thấy thì 3 liều đầu (1,5 ngày đầu) uống vào có "hành" chút chút rồi mới quen. Và cũng uống đủ 5 ngày thôi, không hơn.

Thuốc này cũng cần bắt đầu uống càng sớm càng tốt khi phát hiện bệnh, liều đầu tiên không được quá 5 ngày đầu của bệnh. Lỡ quá rồi thì đừng uống vì không còn tác dụng.

Mà cũng không có chuyện uống trước để phòng ngừa, dương tính mới uống. F1 mà đã lỡ nhiễm rồi, đang ủ bệnh thì trước sau gì cũng dương tính, không có chuyện bất cứ thuốc gì, kể cả thuốc kháng virus mà hết dương tính được.

Thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 bán theo chỉ định của bác sĩ tại nhà thuốc FPT Long Châu trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thứ ba, phải uống đúng thuốc. Hiện nay trên thị trường có Molnupiravir. Trong bệnh viện thì có Remdesivir, Favibiravir. Đừng có nghe quảng cáo trên mạng mà mua những loại thuốc lạ, thấy có "-vir"ở cuối tưởng kháng được virus SARS-CoV-2 là sai.

Thuốc kháng virus cuối tên có "-vir" nhiều lắm, nhưng hiếm có thuốc nào có thể kháng cùng lúc 2, 3 loại virus, vì vậy mua thuốc kháng virus của bệnh khác về chỉ tốn tiền, không có tác dụng, có khi còn có tác dụng phụ.

Với Molnupiravir, về phía nhà quản lý, rất cần để người dân dễ tiếp cận, dễ mua. Vì thuốc cần uống sớm, đợi kiếm được cái toa bác sĩ đúng chuẩn, giấy xác nhận... có khi trễ rồi. Hoặc mua để sẵn trong trường hợp nhà có người già yếu, có bệnh nền, cũng là nhu cầu chính đáng.

Về phía người dùng, nên nhớ thuốc kháng virus là thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, cần mới uống, có chống chỉ định, có thận trọng, vì vậy hãy vì chính bản thân mình mà chủ động hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Nguồn: nld.com.vn