Chỉ cần làm được một nửa diện tích quy hoạch cây xanh cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn, thành phố đã có hàng ngàn hecta đất cây xanh cảnh quan cho người dân thỏa "cơn đói" công viên.
Các nhà phát triển bất động sản tư nhân đã không để "phí phạm" giá trị trời cho của các cuộc đất nằm uốn lượn theo dòng sông Sài Gòn. Ngoài tận dụng giá trị của dòng sông để tạo nên giá trị đẳng cấp cho khu đô thị, họ đã thiết kế, tôn tạo và khai thác giá trị của cảnh quan dọc bờ sông.
1 Suốt chiều dài 80km dọc sông Sài Gòn chảy qua địa phận TP.HCM, có những đoạn bờ sông được thiết kế, đầu tư chỉnh trang cảnh quan trở thành những khu công viên đẹp đẽ thu hút người dân đến thưởng ngoạn, vui chơi.
Khu đô thị Vạn Phúc (TP Thủ Đức) rộng hơn 200ha nằm ở một trong những cuộc đất đẹp nhất ven sông Sài Gòn chưa xây dựng hoàn chỉnh, nhưng một số khu công viên đã thu hút rất đông người dân đến hằng đêm, nhất là ngày cuối tuần.
Trong không gian công viên gần bờ sông lộng gió, trẻ em được thoải mái chạy nhảy, chơi các trò cầu tuột, xích đu. Quanh đó, vài nhóm người lớn tuổi chọn một góc không gian hợp lý để học nhảy trong tiếng nhạc rộn rã.
Nhóm thanh niên, học sinh cũng tìm đến rất đông vì ở đây có quảng trường, tháp cao để giới trẻ thỏa thích ngắm khung cảnh thành phố từ trên cao. Ngay bên cạnh công viên có một kiôt được chủ đầu tư cho thuê mở nhà hàng ăn uống, khách nườm nượp ra vào.
Trước đó, một vài khu công viên tại dự án Vinhomes Central Park, Saigon Peal (quận Bình Thạnh)... cũng gắn với dự án được tạo dựng sang trọng với những không gian sinh hoạt sống động thu hút đông người đủ mọi lứa tuổi đến vui chơi.
Không chỉ tính toán trong thiết kế cảnh quan, chủ đầu tư đã tính đến việc khai thác "thu hoạch" lâu dài giá trị của các khoảng không gian dọc bờ sông. Vậy tại sao đất vào tay các nhà đầu tư tư nhân thì làm được, làm nhanh và tốt?
Các bạn trẻ thư giãn tại công viên Bến Bạch Đằng vào chiều 25-2 - Ảnh: TỰ TRUNG
2 Để trả lời câu hỏi, cần quay ngược lại khu công viên Bến Bạch Đằng vừa được chỉnh trang đưa vào hoạt động. Do không có thiết kế, quy hoạch ngay từ đầu, việc một đơn vị tư nhân bỏ kinh phí ra theo tinh thần "thiện nguyện" khiến các hạng mục ở Bến Bạch Đằng được đầu tư chừng mực.
Tổng quan khu công viên sau chỉnh trang đơn thuần chỉ là một quảng trường đơn điệu, không đa dạng khu vực được thiết kế dành cho các lứa tuổi. Thiếu cây xanh, thiếu đường giao thông kết nối, thiếu bãi xe... cũng là hệ quả của công trình "làm vội".
Đáng nói, khu vực này không có một kiôt bán hàng ăn uống phục vụ nhu cầu của người dân, có nghĩa là không có một nguồn thu nào về mặt dịch vụ được tạo ra thêm từ sự chỉnh trang cảnh quan. Đây là điều đáng tiếc, bởi ngay cả muốn tư nhân hào hứng vào đầu tư chỉnh trang bài bản dọc hai bờ sông cũng phải cho họ thấy rõ lợi ích, nguồn thu tương lai.
TP.HCM trước đây từng thành công trong việc tạo dựng chỉnh trang dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Lò Gốm. Nhưng nhìn hiện trạng hiện hữu không gian quanh hai dòng kênh này cũng chỉ mới đạt được mặt gọn gàng và sạch sẽ, còn mảng khai thác dịch vụ ăn uống, vui chơi để tạo thêm giá trị lại không có.
3 Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, được Thủ tướng ký năm 2010, đã dành khoảng 7.000ha để bố trí tạo thành trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè.
Chỉ làm được một nửa diện tích quy hoạch, thành phố đã có hàng ngàn hecta đất cây xanh cảnh quan cho người dân thỏa "cơn đói" công viên. Nhưng thực tế, những công viên dọc bờ sông Sài Gòn có quy mô hiện đều gắn liền với dự án bất động sản tư nhân.
Rõ ràng TP.HCM thiếu một quy hoạch tổng thể hoặc từng khu vực cảnh quan ven sông Sài Gòn. Quy hoạch đó cần cả những phần đất dành để phát triển dịch vụ tạo nguồn thu lâu bền, từ đó có cơ chế cụ thể thu hút tư nhân tham gia công việc chỉnh trang.
Chúng ta nói đến chủ trương xã hội hóa việc chỉnh trang cảnh quan dọc hai bờ sông, nhưng không thể "phó thác" hết cuộc chơi và quyền quyết định cho các nhà đầu tư tư nhân. Ngược lại, chính quyền phải đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi. Chính quy hoạch cụ thể cùng cơ chế là cách dẫn dắt hiệu quả.
Nhóm Tản mạn kiến trúc:
Kiến tạo Bến Bạch Đằng như một địa điểm của ký ức cộng đồng
Xem xét những kế hoạch thiết kế bến Bạch Đằng thành một địa điểm ký ức là vô cùng hợp lý vì địa điểm này có mối quan hệ tinh thần sâu sắc với cư dân Sài Gòn lẫn Việt Nam.
Không gian công cộng là một không gian thuộc về cộng đồng và do cộng đồng cùng kiến tạo ý nghĩa. Chúng ta đã có nhiều biểu tượng được thiết kế một chiều và trở thành những vật thể vô hồn, không tạo được những kết nối với cư dân sống quanh chúng. Điển hình là tháp Trầm Hương ở Nha Trang vốn ít khi nhận được sự quan tâm của cả người dân lẫn du khách, có lẽ vì khối kiến trúc này rất xa lạ với mã văn hóa của dân cư khu vực.
Tính cộng đồng là tính sẻ chia, do đó để thiết kế không gian như vậy, thiết nghĩ ta cần sự đóng góp của nhiều quan điểm từ giới nghiên cứu, giới thiết kế lẫn các hỗ trợ từ hệ thống nhà nước và sự bầu chọn từ người dân.
Chúng tôi đưa ra một đề xuất mở bằng cách nhấn mạnh tính tương tác của công trình trong tương lai. Tương tác nằm ở tính đa dạng của các sắp đặt kết hợp giữa di sản, thiên nhiên, nghệ thuật. Nó được tạo ra vì cư dân, cho phép sự đồng kiến tạo và đóng góp ý nghĩa từ cư dân để có thể trở thành một địa điểm ký ức cộng đồng thực sự.
MAI THỤY ghi
Nguôn: Tiến Long/tuoitre.vn