Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa cho biết biện pháp nào sẽ được nới lỏng và điều quan trọng là giới chức Đức sẽ lắng nghe ý kiến của hội đồng chuyên gia.
Phát biểu trước Hội đồng Liên bang Đức ngày 11/2, Thủ tướng nước này Olaf Scholz cho biết hội nghị giữa lãnh đạo chính quyền trung ương và các địa phương, dự kiến tổ chức vào tuần tới, có thể lần đầu tiên thảo luận việc nới lỏng quy định phòng, chống đại dịch COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cần tiếp tục thận trọng trong thời gian tới.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời Thủ tướng Scholz cho biết các dự báo khoa học cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19 tại nước này, chủ yếu do biến thể mới Omicron gây ra, sắp lên tới đỉnh điểm.
Điều này cho phép nhà chức trách tính tới "những bước mở cửa đầu tiên" cũng như những bước đi tiếp theo cho mùa Xuân.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Đức bày tỏ ý định rõ ràng về kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 28/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz chưa cho biết biện pháp nào sẽ được nới lỏng và điều quan trọng là giới chức Đức sẽ lắng nghe ý kiến của hội đồng chuyên gia để không mạo hiểm với những thành công trong cuộc chiến chống đại dịch cho đến nay.
Ông cũng cho biết những biện pháp hiện nay đã góp phần đưa Đức dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế do biến thể Omicron, cũng như giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải.
Tuy nhiên, Đức cũng sẽ tiếp tục thận trọng và sẵn sàng trong trường hợp số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trở lại, vì cho tới nay vẫn có hàng triệu người cao tuổi ở nước này chưa tiêm chủng.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Scholz cũng cảnh báo chưa rõ xu thế dịch vào mùa Thu tới, đồng thời lên tiếng bảo vệ kế hoạch thực hiện tiêm chủng bắt buộc nói chung, nhất là trong ngành y tế để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Theo nhà vật lý và nghiên cứu mô hình đại dịch Dirk Brockmann, Đức sẽ sớm đạt đỉnh của làn sóng Omicron lần này.
Giáo sư Brockmann thuộc Đại học Humboldt ở Berlin cho biết diễn biến của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hiện đang trên đà đạt đỉnh và nhiều khả năng sẽ chạm mức cực đại trong vài ngày tới.
Chuyên gia này cũng đề cập tới khả năng nới lỏng biện pháp phòng dịch, song cần thận trọng.
Cùng ngày, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức đã bác đơn khẩn cấp chống lại việc tiêm chủng bắt buộc trong ngành điều dưỡng.
Như vậy, kế hoạch tiêm chủng bắt buộc theo ngành, nghề đã được "bật đèn xanh" và việc tiêm chủng bắt đối với các nhân viên y tế và điều dưỡng viên có thể được thực hiện theo kế hoạch là từ giữa tháng tới.
Quy định này bắt buộc với nhân viên trong các viện dưỡng lão, phòng khám, cơ sở y tế, vật lý trị liệu...
Từ nay tới ngày 15/3, những người làm việc trong các cơ sở trên phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 (trừ các trường hợp không thể tiêm vì lý do y tế).
Sau thời điểm trên, họ phải chứng minh đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc đã bình phục sau khi nhiễm bệnh.
Ngày 11/2, các nhóm nghị sỹ thuộc liên minh cầm quyền ở Đức đã công bố dự thảo luật tiêm chủng bắt buộc với người trên 18 tuổi.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/10 tới, tất cả người lớn tạm trú hoặc thường trú tại Đức phải có chứng nhận đã tiêm đủ 3 mũi vaccine hoặc đã bình phục. Luật sẽ có hiệu lực trước mắt đến ngày 31/12/2023.
Hiện tốc độ tiêm chủng ở Đức đang chững lại. Tính đến trưa 11/2, Đức đã có 62,1 triệu người (tương đương 74,7% dân số) đã tiêm đủ liều cơ bản và 45,9 triệu người (55,2% dân số) đã tiêm mũi tăng cường.
Tuy nhiên, vẫn còn 19,9 triệu người (23,9% dân số) chưa tiêm, trong đó có khoảng 4 triệu trẻ dưới 5 tuổi chưa có vaccine đặc chủng.
Theo thông báo của Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 240.172 ca nhiễm mới và 226 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân lên mức cao kỷ lục 1472,2./.
Nguồn: Mạnh Hùng/vietnamplus.vn