Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi từ góc nhìn thực tiễn

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Dự thảo luật đất đai sửa đổi từ góc nhìn thực tiễn

Bộ Tài Nguyên Môi trường là cơ quan được chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp và phản biện xã hội. Riêng ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã có 3 hội nghị phản biện xã hội lớn quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu bởi đây không chỉ là việc điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai theo chu kỳ 10 năm mà mục tiêu đặt ra còn là phải làm sao thể chế đầy đủ các chính sách mới trong nghị quyết 18 của Trung ương, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai. Dưới đây là ghi nhận một số ý kiến từ Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi vừa được tổ chức trực tuyến trên cả nước.

Đặc biệt quan tâm đến quy định mới về tăng hạn mức giao đất lên 15 lần so với trước đây, bởi nó phù hợp với mục tiêu chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp, nhưng bà  Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, song song với quy định này thì dự thảo cần cụ thể hơn trong cho phép “sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ” cũng như cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân. Bởi chỉ có như vậy thì mới tránh được tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế.

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh: Bích Thủy

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp. Điều này sẽ khắc phục được thực trạng cơ quan, đơn vị trung ương không trả lại nhà đất tại các cơ sở cũ cho địa phương sau khi đã di dời đến các cơ sở mới, dẫn đến lãng phí, tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng định nghĩa về đất công trong Luật Đất đai năm 2013 khá đơn giản. Với bối cảnh mới, cần xây dựng lại định nghĩa về đất công để cả việc quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.

 

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh: Bích Thủy

Tiến sĩ Châu Hoàng Thân, Khoa Luật, Đại học Cần Thơ thì cho rằng dự thảo Luật sửa đổi cần làm rõ các tiêu chí về thu hồi đất cũng như quy định về bồi thường – tái định cư khi thu hồi đất. Cần xây dựng khái niệm bồi thường trong dự thảo Luật để tách bạch giữa bồi thường với hỗ trợ, luật hóa phương pháp định giá đất thay vì giao chính phủ quy định chi tiết. Cũng về vấn đề thu hồi và bồi thường, hỗ trợ với người có đất bị thu hồi, bà Võ Thị Kim Hồng, chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM cho rằng “nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp phục vụ cho mục đích công cộng. Còn các dự án do tư nhân làm thì dù có phục vụ mcụ đích an ninh quốc phòng đi nữa nhưng nếu ngoài mục đích công cộng thì nhà nước không thu hồi mà phải để cho nhà đầu tư thương lượng với người dân. Vì nhà đầu tư thực hiện dự án cũng vì lợi nhuận, nên nhà nước không thể can thiệp vào. Điều này cũng để đảm bảo lợi ích của người dân vì đối với người dân thì đất đai có thể nói là sống còn với họ

Bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nêu thực tế  “Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”. Vì vậy, kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa  và phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai. Ông Lâm Tấn Hùng, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 11, TP.HCM thì cho rằng “nên nghiên cứu đưa vào điều khoản là đối với những dự án sau khi nhà nước thu hồi thực hiện mà nếu có thay đổi mục đích sử dụng từ đất công cộng sang kinh doanh thì bắt buộc phải lập dự án bồi thường bổ sung để hỗ trợ, bồi thường lại cho những người đã bị thu hồi đất do nhà nước đứng ra thu hồi”.

Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, để biên soạn dự thảo sửa đổi Luật Đất đai phải đánh giá tác động liên quan đến 112 Luật hiện hành. Vì vậy, đây là một vấn đề hết sức phức tạp. Luật Đất đai (sửa đổi) tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai./.

Nguồn: Bích Thủy/kenhcongdong.com