Dự báo mới nhất về thời tiết 6 tháng cuối năm tại TPHCM và Nam Bộ

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Dự báo mới nhất về thời tiết 6 tháng cuối năm tại TPHCM và Nam Bộ

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường đã xảy ra tại khu vực. Trong 6 tháng cuối năm, dông, lốc, sét, mưa đá sẽ tiếp tục xảy ra, cùng với đó, bão và áp thấp nhiệt đới cũng có thể ảnh hưởng tới khu vực.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến cuối tháng 6, khu vực Miền Đông và 4 tỉnh ven biên giới tây nam gồm Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang vẫn còn nắng nóng.

Từ nay đến hết tháng 9, nhiệt độ ở TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, trong khi tháng 10, 11 tương đương những năm trước.

Trong 6 tháng cuối năm, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) không nhiều. Trong đó, mưa hụt nhiều trong khoảng từ tháng 6-8 và cao hơn TBNN trong những tháng còn lại. Mùa mưa khả năng kết thúc muộn.

Những tháng mùa khô cuối năm có mưa trái mùa và tổng lượng mưa những tháng này hầu hết cao hơn TBNN. Tổng lượng mưa trong cả năm 2022, bao gồm cả tổng lượng mưa từ đầu năm cho tới bây giờ và tổng lượng mưa của những tháng còn lại sẽ cao hơn nhiều năm ở khá nhiều  nơi.

"Khả năng tại khu vực Nam bộ sẽ vẫn còn 1 đợt giảm mưa trong mùa mưa kéo dài khoảng 5-7 ngày, xảy ra vào tháng 8. Tuy nhiên đợt giảm mưa này không rõ ràng, trên khu vực vẫn có mưa ở một vài nơi, nhưng phổ biến vẫn là thời tiết không mưa, nắng nhiều. Đề phòng dông, lốc, sét, mưa đá… xuất hiện nhiều với cường độ mạnh trong tháng nửa cuối tháng 6 và tháng 7.2022" - đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay.

Về mùa bão, Cơ quan khí tượng cũng cho biết năm nay sẽ đến Việt Nam muộn và kết thúc muộn. Trong 6 tháng cuối năm, có 5-6 cơn bão ảnh hưởng tới đất liền trong tổng số khoảng 10-12 cơn bão hoạt động trên Biển Đông. Đề phòng khả năng có bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Nam Bộ.

Về thuỷ văn, mực nước trung bình các tháng 7, 8, 9 tại các trạm đều cao hơn so với TBNN, cụ thể:

Vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước trung bình tháng 7 sẽ ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,30-0,50m, tháng 8 và tháng 9 sẽ ở mức cao hơn TBNN từ 0,10-0,20m.

Vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ mực nước trung bình tháng sẽ tăng trong 3 tháng tới và ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,10-0,40m. Vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai mực nước duy trì ở mức trung bình trong 3 tháng tới và ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN khoảng 0,05-0,10m.

Sông Đồng Nai mực nước tiếp tục tăng chậm, trong tháng 8 có thể xuất hiện các đợt lũ nhỏ./.

Nguồn: Hạ Mây/laodong.vn