Mùa bão 2024 chứng kiến số lượng kỷ lục siêu bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã tạo ra 25 cơn bão nhiệt đới được đặt tên trong năm nay, tăng so với 19 cơn được ghi nhận trong mùa bão năm 2023.
SCMP dẫn lời một nhà khí tượng học cho biết biến đổi khí hậu có thể đã dẫn đến số lượng kỷ lục các siêu bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay, bao gồm ba siêu bão ảnh hưởng đến Hong Kong (Trung Quốc).
Shun Chi-ming, cựu giám đốc Đài quan sát Hong Kong (Trung Quốc), cho biết nhiệt độ nước biển tăng cao đã thúc đẩy sự hình thành và tăng cấp của các cơn bão nhiệt đới.
"Đây cũng là lần đầu tiên trong tháng 11, bốn cơn bão nhiệt đới xuất hiện cùng lúc ở Tây Bắc Thái Bình Dương" - ông Shun Chi-ming nói.
Siêu bão Man-yi (bão số 9) giảm 5 cấp khi vào Biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam
Ông Shun chỉ ra, hiện tại, nhiệt độ bề mặt biển ở khu vực giữa Biển Đông, phía đông Philippines và thậm chí phía đông Đài Loan (Trung Quốc) vẫn ở mức trên 28 độ C, cao hơn bình thường khoảng 1 đến 2 độ C.
Ông cũng lưu ý, bão Man-yi (bão số 9 ở Biển Đông) là cơn bão nhiệt đới thứ 16 và là siêu bão thứ 5 tấn công Philippines trong năm nay.
Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã tạo ra 25 cơn bão nhiệt đới được đặt tên trong năm nay, tăng so với 19 cơn được ghi nhận trong mùa bão năm 2023.
Trong số 25 cơn bão, 8 cơn là siêu bão đổ bộ vào đất liền, gây ra thiệt hại đáng kể, so với 5 cơn vào năm ngoái. Kỷ lục trước đó là 7 siêu bão được ghi nhận vào cả năm 2018 và 2019.
Tám siêu bão trong năm nay là Gaemi, Shan Shan, Yagi, Krathon, Kong-rey Yinxing, Toraji và Man-yi.
Siêu bão Yagi, Yinxing, Toraji và Man-yi đã ảnh hưởng đến nhiều nơi, trong đó có Philippines, Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc).
Leung Wing-mo, cựu trợ lý giám đốc tại Đài quan sát Hong Kong (Trung Quốc), cho biết sự nóng lên toàn cầu là yếu tố góp phần hình thành các cơn bão nhiệt đới.
"Trên thực tế, nhiệt độ bề mặt nước biển năm ngoái cũng ngang bằng, nếu không muốn nói là cao hơn năm nay" - ông nói. "Nhưng chúng tôi đã không chứng kiến nhiều cơn bão như vậy vào cuối mùa năm ngoái. Điều đó giải thích rằng nhiệt độ bề mặt nước biển không phải là yếu tố duy nhất".
Các yếu tố khác cũng đóng vai trò trong việc hình thành bão, bao gồm cả hoàn lưu gió. Lực cắt gió theo phương thẳng đứng có thể làm suy yếu cường độ của bão.
Leung cho biết khi vị trí của mặt trời dần di chuyển về phía nam vào mùa đông, biển nhận được ít năng lượng hơn và nhiệt độ bề mặt nước biển sẽ không đủ cao để giúp hình thành các xoáy thuận nhiệt đới.
"Như vậy, tôi dự đoán sẽ không có bất kỳ siêu bão nào nữa trong thời gian còn lại của năm nay. Nhưng cần lưu ý là trong quá khứ đã có siêu bão xảy ra vào tháng 12.1974 là siêu bão Irma.
Theo Đài quan sát Hong Kong (Trung Quốc), khu vực hình thành chính của các xoáy thuận nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương nằm ở vùng nước ấm phía đông Philippines.
Trong điều kiện bình thường, dải áp cao cận nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương bắt đầu rút về phía nam vào tháng 11 và tháng 12.
Nhưng dải áp cao này mạnh hơn và nằm xa hơn về phía bắc so với bình thường trong năm nay, tránh được vùng nước lạnh hơn và gió mạnh hơn - những yếu tố sẽ làm suy yếu các cơn bão sau khi chúng hình thành.
Những yếu tố khác nhau này đã dẫn đến sự xuất hiện đồng thời của bốn cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông trong tháng 11./.
Nguồn: Song Minh/laodong.vn