Dự báo diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới cuối năm 2024

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Dự báo diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới cuối năm 2024

Đại diện cơ quan khí tượng cho biết, số cơn bão/áp thấp nhiệt đới từ tháng 12.2024-2.2025 ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát hành bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc (tức từ tháng 12.2024 đến tháng 5.2025).

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - xung quanh những nét thời tiết đáng lưu ý nhất trong giai đoạn trên.

Dự báo bão/áp thấp nhiệt đới trong giai đoạn cuối năm thường phức tạp do sự tương tác của không khí lạnh. Ảnh ghép: An An/Nguồn: Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam

Thưa ông, hiện tại ENSO đã chuyển sang trạng thái La Nina hay chưa và kịch bản chuyển pha ENSO có thay đổi như thế nào so với các dự báo trước đó?

- Hiện tại, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm là -0,3 độ C vào tuần đầu tháng 11.2024.

Theo các dự báo mới nhất thì xác suất xuất hiện La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 giảm đáng kể so với các dự báo trước đây.

 

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn - phân tích xu thế thiên tai cuối năm. Ảnh: An An

Trong 3 tháng sắp tới, dự báo La Nina có khoảng 50 - 55% xuất hiện dù chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển trung bình 3 tháng vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng ít khả năng vượt quá ngưỡng -0,5 độ C (ngưỡng xác định La Nina).

Hiện tượng ENSO có khả năng ở trạng thái trung tính với xác suất từ 55 - 70% từ khoảng tháng 3 đến tháng 5.2025

Trong 2 tháng vừa qua, Biển Đông đã liên tục đón bão. Dự báo còn bao nhiêu cơn bão/áp thấp nhiệt đới trong mùa bão năm nay, thưa ông?

- Từ tháng 9.2024 đến nay, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 7 cơn bão.

Từ tháng 12.2024 - 2.2025, dự báo hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Theo số liệu trung bình nhiều năm trong giai đoạn kể trên, trên Biển Đông có khoảng 1,4 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, đổ bộ vào đất liền khoảng 0,2 cơn. Bão/áp thấp nhiệt đới nếu đổ bộ vào đất liền có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía nam.

Từ tháng 3 đến tháng 5.2025 hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Theo số liệu trung bình nhiều năm trong giai đoạn kể trên, trên Biển Đông có 0,5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, không đổ bộ vào đất liền.

Dự báo diễn biến thiên tai trong giai đoạn cuối năm vẫn còn diễn biến phức tạp, ông có khuyến cáo đến người dân như thế nào?

- Trường hợp cơ quan khí tượng phát tin cảnh báo thiên tai, mọi công tác để ứng phó người dân cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ban chỉ huy của địa phương để đảm bảo công tác về phòng chống để đảm bảo hạn chế thiệt hại đáng tiếc trong các tình huống thiên tai cụ thể.

Trước tình hình dự báo thiên tai từ nay đến cuối năm còn phức tạp, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, tăng cường và nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đặc biệt là đối với thiên tai mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét; truyền tải thông tin đa dạng trên nền tảng công nghệ số và cung cấp kịp thời cho các cơ quan, tổ chức theo đúng quy định để phục vụ công tác phòng, chống và ứng phó với thiên tai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: An An/laodong.vn