Làm việc với các tỉnh Đông Nam Bộ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao TP.HCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM tại kỳ họp của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vào tháng 11/2024. Ngay sau buổi làm việc, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn tuyến Vành đai 4 TP.HCM.
Tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 TP.HCM khoảng 207 km (Bà Rịa - Vũng Tàu: 18,23 km; Đồng Nai: 45,54 km; Bình Dương: 47,45 km; TP.HCM: 17,3 km; Long An: 78,3 km). Khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 128.063 tỷ đồng (phần xây dựng 76.772,1 tỷ đồng; phần giải phóng mặt bằng là 51.291,2 tỷ đồng).
Báo cáo của TP.HCM cho thấy, đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thuộc đường Vành đai 4 TP.HCM. Đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền, khái toán đầu tư khoảng 7.972 tỷ đồng, dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV/2024. Đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên) do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 19.151 tỷ đồng. Đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn) do UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 19.827 tỷ đồng. Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức PPP đã được thông qua.
Đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn và cầu kênh Thầy Cai) do UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 14.089 tỷ đồng. Cuối cùng là đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm đoạn qua khu vực Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 67.024 tỷ đồng.
“Đến nay, các tỉnh đều cơ bản hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV/2024”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Dự án Đường Vành đai 4 TP.HCM liên quan đến nguồn vốn. Ảnh: Lê Tiên
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Dự án liên quan đến nguồn vốn, do chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách trung ương). Đồng thời, chưa có cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương. Mặt khác, nguồn vốn ngân sách địa phương khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia Dự án…
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, TP.HCM đã thống nhất với 4 địa phương còn lại đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến. Theo đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương (cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương). Bên cạnh đó, đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia Dự án; riêng tỉnh Long An, ngân sách trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia Dự án. Đồng thời, cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án.
Để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, theo TP.HCM, cần cho phép 4 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 TP.HCM của từng địa phương được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương (quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019).
Theo UBND tỉnh Bình Dương, địa phương đang nỗ lực để khởi công Dự án Đường Vành đai 4 trong quý III/2024. Các công tác thẩm định giá đất, tính toán phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đã được các huyện triển khai quyết liệt. Đây cũng là tỉnh có nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm tham gia Dự án. Cụ thể, Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Đèo Cả cho biết đang nghiên cứu về việc bổ sung một số nút giao, đoạn tuyến như đoạn cảng An Tây nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 - Khu số 1 có diện tích khoảng 2.702 ha bao gồm một phần của phường An Tây, phường An Điền và xã Phú An thuộc TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương sẽ là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ; đầu mối giao thông quan trọng của Tỉnh, cửa ngõ kết nối với TP.HCM qua tuyến giao thông Vành đai 4 TP.HCM. Có 3 nhóm dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, dự án hạ tầng xã hội khung, dự án phát triển đô thị tại khu này đều có khả năng cao trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư./.
Nguồn: Hải An/baodauthau.vn