Các chuyên gia kỳ vọng với đợt giảm lãi suất huy động và cho vay lần này sẽ tạo được mặt bằng lãi suất mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp lý, sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Không đợi đến 6/3 mới giảm lãi suất huy động như cam kết, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đồng loạt điều chỉnh giảm trong những ngày cuối tuần này với mức giảm khoảng từ 0,3%-0,8% nhằm tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
Đồng loạt giảm sâu
Theo khảo sát, trong số các ngân hàng thương mại cổ phần, một số ngân hàng có lãi suất tiết kiệm tại quầy cao nhất thị trường 9,5%/năm hôm đầu tuần thì đến cuối tuần đã giảm mạnh để thể hiện sự đồng thuận giữa các ngân hàng.
Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), từ ngày 5/3 lãi suất các kỳ hạn 6 và 9 tháng giảm từ 8,3%/năm xuống 7,8%/năm; 12 tháng từ 8,6%/năm xuống 8,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại MSB giảm tương ứng, xuống còn 9%/năm dành cho sản phẩm lãi suất đặc biệt kỳ hạn 15 và 24 tháng, gửi tối đa 5 tỷ đồng/khách hàng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. (Ảnh: Vietnam+)
Kể từ ngày 6/3, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BAC A BANK) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng điều chỉnh lãi suất với bước giảm từ 0,3-0,8%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng tại BAC A BANK giảm 0,5%/năm còn 8,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng có bước giảm tương đương còn 8,7%/năm. Lãi suất cao nhất rời từ mức 9,5%/năm xuống còn 9,2%/năm dành cho khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng.
Tại Sacombank, lãi suất giảm mạnh 0,8%/năm xuống còn 8,6%/năm dành cho tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng. Điều kiện hưởng mức lãi suất cao nhất này đã nới rộng hơn trước khi không còn đính kèm việc tham gia bảo hiểm nhân thọ kết hợp với gửi tiền tiết kiệm. Các kỳ hạn khác cũng giảm 0,5%/năm xuống còn 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 7,7%/năm cho 9 tháng và 7,9%/năm cho 12 tháng.
Đặc biệt, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng (PVcomBank) cũng giảm mạnh lãi suất các kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động online từ 9,2% giảm về 8,4%/năm.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) cũng đã giảm đồng loạt từ 0,4%-0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên so với trước đó từ ngày 4/3. Hiện lãi suất cao nhất của các ngân hàng này là 9,3%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho hay ngay đầu tháng Ba OCB đã giảm lãi suất với các kỳ hạn từ 6-12 tháng với mức giảm 0,5%/năm.
Các ngân hàng cho biết việc giảm lãi suất này đã được thống nhất tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tuần trước.
Sau lần đồng thuận hồi cuối năm 2022 không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, động thái mới nhất là tín hiệu rõ ràng về xu hướng giảm lãi suất sâu rộng đã bắt đầu lan tỏa. Theo các chuyên gia, điều này sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - vốn đang tăng với tốc độ rất chậm trong 2 tháng đầu năm.
Các ngân hàng trong nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank do đang niêm yết ở mức thấp nên sẽ giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm so với mức hiện hành ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Hiện 4 ngân hàng này niêm yết kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng là 6%, từ 12 đến 36 tháng là 7,4%..
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023.
"Chúng tôi kỳ vọng xu hướng giảm lãi suất huy động có thể tiếp tục trong vài tháng tới. Nhưng trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản vẫn tồn tại những rủi ro nhất định thì tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là lựa chọn ưa tiên cho những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và có nhu cầu thường xuyên/ngắn hạn về dòng tiền," chuyên gia VnDirect nhận định.
Nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay
Khi van tín dụng đã được xả, tiếp cận vốn không còn là vấn đề, thì mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp, của người đi vay lúc này, là lãi suất.
Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do đó, bên cạnh việc thận trọng, bơm tiền có kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước thì hạ dần lãi suất, tạo tiền đề cho tăng trưởng mà không gây áp lực lên lạm phát, ổn định tỷ giá cũng là ưu tiên của ngành ngân hàng
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Cũng tại phiên họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm 0,43%/năm và hiện đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới, trong nước, điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng,” Thống đốc nhấn mạnh.
Trên thực tế, sau khi mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt, nhiều ngân hàng cũng đã quyết định giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã quyết định giảm 1,5%-2%/năm mức lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Gói ưu đãi tập trung cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, nông nghiệp.
Cũng nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần (VPBank) cũng quyết định dành ra 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Mức lãi vay sẽ được giảm từ 0,5%-1,5%/năm, tùy theo tình hình kinh doanh thực tế của từng doanh nghiệp.
Trước đó một loạt ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng lớn với ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, MB, Techcombank, Sacombank, SeABank cho thấy tín hiệu giảm lãi suất cho vay có thể được triển khai đồng loạt ở các ngân hàng trong những ngày tới.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng mức lãi suất sẽ tiếp tục "hạ nhiệt" vào quý 2 năm nay, khi áp lực tăng lãi suất từ thị trường thế giới giảm bớt. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi cũng giúp kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Giãi bày về những phản ánh trong việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay còn cao... Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết khi lãi suất huy động cao và kéo theo đó là lãi suất cho vay cao, các ngân hàng chẳng những không hề được lợi, mà trái lại đó còn là rủi ro lớn. Bởi lãi suất cao khiến cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp tăng chi phí tài chính, dẫn tới sản xuất kém hiệu quả và có khả năng không trả được nợ ngân hàng. Các ngân hàng luôn muốn lãi suất thấp.
"Hy vọng với đợt giảm lãi suất cả huy động và cho vay lần này sẽ tạo được mặt bằng lãi suất mới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng hợp lý sản xuất kinh doanh hiệu quả," ông Tùng nói./.
Nguồn:Thúy Hà/vietnamplus.vn