Giá xăng tăng, các ứng dụng gọi xe đồng loạt tăng cước, người tiêu dùng phải gánh chịu thêm mức giá đắt đỏ. Với khoản tiền nhờ tăng cước, tài xế chỉ nhận được 70% (chưa trừ chi phí xăng, nhớt...), còn lại 30% chảy về túi doanh nghiệp vận hành ứng dụng xe công nghệ. Vô hình chung, cả tài xế và người dân đều gặp khó khăn vì chi phí tiêu dùng cao hơn, thì phía ứng dụng đặt xe lại “kiếm” ngon lành khoản 30% từ sự tăng giá.
Tài xế phản ứng vì bị giảm thu nhập
Câu chuyện giá xăng tăng liên tục xấp xỉ ngưỡng 30.000 đồng/lít (xăng A95) khiến cho giới tài xế xe công nghệ (ôtô và xe máy) bị giảm thu nhập, dẫn đến một số bác tài phản ứng trong những ngày qua. Tài xế ShopeeFood ngừng chạy, tập trung đòi hỗ trợ vì giảm thu nhập tại Đà Nẵng, một số tài xế xe ôm công nghệ ở TPHCM tắt app…, là những chuyện xảy ra trong những ngày qua. Các phản ứng trên của giới tài xế xe công nghệ trên thực tế không quá gay gắt như những lần họ có những khúc mắc với doanh nghiệp quản lý ứng dụng trước đây. Bởi diện bị ảnh hưởng giảm thu nhập do giá xăng tăng là khá rộng chứ không riêng gì tài xế xe công nghệ.
Sáng ngày 14.3, một nhóm tài xế Gojek, Grab, Baemin đang đậu xe trước cửa hàng hoa số 85 Nguyễn Thái Học, Quận 1, TPHCM. Khi tôi hỏi đùa vì sao lại túm tụm “đông vui” vậy, anh T.L - một tài xế Gojek lâu năm - cho biết: “Sáng giờ anh em ít cuốc quá, nên tập trung ở đây chơi và chờ’. Câu chuyện giá xăng liên tục tăng được anh L. xác nhận đã ảnh hưởng không ít tới thu nhập của anh em tài xế công nghệ, lại thêm ế khách cho nên các bác tài nói chung càng dễ bị ức chế. Anh U. - một tài xế của Baemin - góp lời: “Giá xăng tăng liên tục mà lại ít cuốc, cho nên gánh nặng 1 thành 2, làm cách nào có sự bù đắp cho anh em tài xế chứ kiểu này thì khó sống quá”.
Cũng theo lời anh, lâu nay chạy giao đồ ăn qua Baemin có được khách là nhờ các chương trình khuyến mãi, nay ít khuyến mãi thì số cuốc xe cũng cạn dần, thu nhập theo đó teo tóp.
Minh họa của ĐAN
Giá xăng tăng ảnh hưởng mức nào tới tài xế?
Anh L. cho rằng: “Giá xăng tăng mà anh em có cuốc đều đều thì về tâm lý cũng không nặng nề. Nhưng giá xăng tăng mà số cuốc lại ít, nên anh em mới thấy khổ nhiều”. Anh L. thuộc hàng sao trong đội ngũ tài xế Gojek, hầu như ngày nào cũng đạt đủ điểm, thu nhập đã trừ chi phí khoảng 800.000 đồng/ngày, chi phí nhiên liệu chiếm từ 70.000-75.000 đồng/ngày, tương ứng khoảng 10%. Nhưng anh L. cũng cho rằng còn tùy trường hợp tài xế, tùy cuốc xe, khoảng cách, tình huống…
Như trường hợp anh H. (đang cùng nhóm L), mỗi ngày chạy có thu nhập nhiều nhất cũng chỉ hơn 300.000 đồng.
“Chi phí xăng khi thực hiện cuốc xe không phải quá nhiều, nhưng chi phí chạy rề rà, lang thang để có khách mới lớn. Có khi tôi phải chạy 1-2km để đến điểm đón khách, xăng tiêu hao cũng tăng lên trong khi khách đó chỉ đi hành trình chỉ 2-3km. Ngày nào ít cuốc, thu nhập ít, mà phải chạy nhiều như vậy hao xăng thấy xót lắm”, anh H. nói.
Tăng cước và sự giải quyết... lệch bản chất
Trong giai đoạn giá xăng leo thang hơn 2 tháng qua, một số hãng vận hành ứng dụng xe công nghệ đã tiến hành tăng giá cước dịch vụ.
Từ ngày 10.2, ứng dụng Be đã bắt đầu tăng giá cước dịch vụ tại khu vực Hà Nội. Đến ngày 10.3, Grab cũng công bố tăng cước đối với hầu hết các dịch vụ của GrabCar và GrabBike. Mới nhất, Gojek cho biết tăng cước 2 dịch vụ GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn) từ ngày 14.3.
Hầu hết các lập luận được đưa ra khi tăng giá cước là trên cơ sở tính toán mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời đảm bảo cho các đối tác tài xế của Gojek nhận về khoản thu xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra; hay bù đắp một phần chi phí vận hành và khuyến khích tài xế tích cực làm việc...
Theo thạc sĩ Mai Tuyết, cần nhìn nhận vấn đề theo tuyến nhân - quả. Nguyên nhân là giá xăng tăng, dẫn đến hệ quả là tài xế giảm thu nhập. Từ đó, giải pháp cần giải quyết đúng bản chất sự việc là nên bù đắp khoản thu nhập bị giảm sút của tài xế.
Tuy nhiên trên thực tế, các ứng dụng gọi xe tăng cước, người tiêu dùng phải gánh chịu thêm mức giá đắt đỏ hơn trong khi dòng tiền nhờ tăng cước không chỉ chảy về túi tài xế (70% chưa trừ chi phí xăng nhớt) mà còn chảy về túi doanh nghiệp vận hành ứng dụng (30%). Vô hình chung, trong bối cảnh giá xăng tăng cao liên tiếp cả tài xế và người dân đều gặp khó khăn vì chi phí tiêu dùng cao hơn thì phía ứng dụng đặt xe lại “kiếm thêm” từ sự tăng giá cho dù không thuộc đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo thạc sĩ Tuyết, việc kiếm thêm 30% từ mức cước tăng cho dù được phía ứng dụng chuyển thành các voucher khuyến mãi hay giảm giá đi nữa thì cũng không được minh bạch và sòng phẳng đối với đối tác tài xế và khách hàng. Bởi, chính vì 30% chảy về túi phía ứng dụng nên tài xế không được hưởng sự bù đắp trọn vẹn, còn người tiêu dùng lại phải gánh thêm khoản “kiếm thêm” của phía ứng dụng được cộng vào giá cước mới.
Theo anh L, giá xăng tăng là khó khăn chung, để chia sẻ khó khăn này phía tài xế và người tiêu dùng có thể gánh một phần, còn phía ứng dụng cũng cần gánh một phần bằng cách giảm tỉ lệ chiết khấu xuống còn 20-25% trong giai đoạn giá xăng tăng cao, thay vì còn hưởng thêm 30% chiết khấu trong khoản tăng giá cước.
Trong khi đó, một giải pháp ổn thỏa hơn được phía ShopeeFood đưa ra, đó là gói hỗ trợ xăng dầu cho tài xế đáp ứng điều kiện. Giải pháp này nhằm hỗ trợ trực tiếp và đúng đối tượng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng chính là các tài xế, thay vì tăng cước để “kiếm thêm”.
Một ứng dụng khác trên quy mô quốc tế là Uber, đã tiến hành thu thêm một khoản phụ thu trên mỗi cuốc xe. Khoản tiền phụ thu thêm này được chuyển lại toàn bộ cho tài xế là đối tượng trực tiếp bị giảm thu nhập vì giá xăng dầu liên tục tăng nóng./.
Nguồn: Thế Lâm/laodong.vn