Trước đề xuất tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, nhiều viên chức ngành y tế, giáo dục bày tỏ vui mừng, hy vọng đề xuất này sẽ sớm được chấp thuận và đi vào thực tế để kịp thời động viên cũng như giúp đời sống của họ đỡ khó khăn.
Làm 15 năm, thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng
Chị Lê Thị X (điều dưỡng tại một bệnh viện đa khoa huyện thuộc tỉnh Thái Bình) làm việc đã 15 năm, nhưng tổng thu nhập hiện nay, theo tính toán của chị, chỉ rơi vào tầm 7-8 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, hiện chị X có hệ số lương là 3,36. Với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, chị có mức lương là hơn 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn được nhận khoản tiền 60% phụ cấp ưu đãi nghề cùng với tiền trực đêm.
“Tổng thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng không đủ để tôi nuôi 2 con đang tuổi ăn học” - chị X than thở. Nữ điều dưỡng này có 2 con học cấp II và cấp I. Mỗi một tháng, riêng tiền học thêm cho 1 cháu đã lên tới 3 triệu đồng. Như vậy, tiền học thêm của 2 cháu đã chiếm gần hết thu nhập của chị. Chồng chị X làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, nên chị vẫn là người kiếm tiền chính ở trong nhà.
Nghe thông tin đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, chị X tỏ ra vui mừng. “Ai cũng mong muốn được tăng lương, nhất là viên chức trong ngành y tế như tôi vì đặc thù công việc vất vả. Tôi nghĩ nhà nước cần ưu tiên cho nhân viên ngành y tế. Nếu thu nhập không đảm bảo, thì họ khó có thể toàn tâm, toàn ý gắn bó với nghề” - chị X phân tích.
Nữ điều dưỡng này còn cho rằng, nên tăng lương cơ sở sớm vì hiện tại, sau dịch COVID-19, nhiều nhân viên y tế đã bỏ việc, chuyển việc, nhiều người trong tâm trạng chán nản, nên việc tăng lương thời điểm này sẽ là sự động viên kịp thời đối với họ, yên tâm tiếp tục làm việc. Bên cạnh đó, chị X mong muốn tăng phụ cấp ưu đãi nghề để cải thiện thu nhập.
Đời sống của nhiều nhân viên y tế còn gặp khó khăn.Ảnh: Bảo Hân
Nên sớm tăng lương cơ sở
Cùng với ngành y, nhiều người là viên chức ngành giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn do lương thấp. Chị Nguyễn Thị H - giáo viên tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội - cho biết, chị mới được vào biên chế, hiện có hệ số lương là 2,66. Cộng với một số khoản phụ cấp, tổng thu nhập của chị chỉ ở mức 7-8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, cuộc sống của chị khá khó khăn, chật vật, trong bối cảnh vật giá leo thang.
“Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 1,8 triệu đồng theo tôi là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tôi mong sớm được tăng lương, nhưng với tình hình thực tế hiện nay, có lẽ tăng lương từ đầu năm 2023 là hợp lý, không nên tăng muộn hơn” - chị H nêu ý kiến.
Chủ tịch Công đoàn Viên chức của một tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ cho rằng, cần sớm tăng lương cơ sở vì lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1.7.2019, từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng. Trong khi đó, cùng thời gian này, người lao động trong doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng.
“Ngoài ra, do lương cơ sở thấp nên với những viên chức mới vào hay những người có chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định 161 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập - PV) có lương rất thấp, cuộc sống rất khó khăn” - Chủ tịch công đoàn cho biết.
Theo vị Chủ tịch công đoàn này, nếu không tăng lương cơ sở, đời sống của công chức, viên chức sẽ khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. “Trước đây, mỗi lần lương cơ sở tăng 7-10% thì bây giờ, sau 3 năm không tăng, mức tăng lương cơ sở đề xuất là từ 14.900.000 đồng lên 1,8 triệu đồng, tương đương với 20% là phù hợp” - Chủ tịch công đoàn nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo vị này, nên tăng lương sớm ngay từ đầu năm 2023 vì hiện nay, giá cả những mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng; ngoài ra, việc tăng sớm còn kịp thời động viên lực lượng công chức, viên chức cũng như bù đắp cho họ phần chi phí sau thời gian chống dịch COVID-19./.
Nguồn: Bảo Hân/laodong.vn