Đề xuất tạm dừng bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Đề xuất tạm dừng bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị các địa phương tạm dừng tổ chức lễ hội và bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022.

Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy vừa ký văn bản gửi các sở quản lý văn hóa cả nước về kế hoạch tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm, lãnh đạo bộ đề nghị các sở văn hóa trình UBND tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo, hoa nổ.

Căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, các cơ sở tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao; hoạt động tại các bảo tàng, di tích, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn... theo hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 do bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các sở văn hóa trình UBND tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo, hoa nổ. Ảnh minh họa: Giáo dục và Thời đại

Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương hướng dẫn các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo du khách được đón Tết vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Theo Tiền Phong, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các sở chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trong việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ; tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm; các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí thuộc trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa, thể thao và du lịch nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của ngành y tế tại địa bàn theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân vui Xuân, đón Tết trong trạng thái bình thường mới.

Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương./.

Nguồn: Đinh Kim (T/h)/doisongphapluat.com