TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế để sớm hoàn thành vành đai 3

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế để sớm hoàn thành vành đai 3

UBND TP.HCM vừa báo cáo Chính phủ về kết quả hội thảo đường vành đai 3 được tổ chức hôm 11-3. Dự án này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2022."

"Dự án vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76,34km, có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 41.589 tỉ đồng. Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.

Đường song hành được làm từ 2 đến 3 làn xe. Giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh từ 63 đến 74,5m, riêng một đoạn gần nút giao Tân Vạn (TP Thủ Đức) rộng 120m".

Dự án vành đai 3 giai đoạn 1

Theo UBND TP.HCM, hội thảo nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu tham dự về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu đầu tư, các cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án để sớm hoàn thành tuyến đường trong thời gian sớm nhất..

Để đẩy nhanh tiến độ, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa phương, hành động phải quyết liệt trong các bước triển khai, phương thức hành động phải rõ ràng.

Đồng thời, phải gắn với cam kết thực hiện, cơ chế thực hiện, trách nhiệm cá nhân và nghiên cứu áp dụng tiêu chí về cam kết tiến độ khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.

UBND TP cho biết các đại biểu thống nhất đề xuất giải pháp bồi thường giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế đặc thù để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiệu quả hơn, tránh kéo dài.

Dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương kết hợp ngân sách địa phương. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương như ngân sách trung ương cấp hay cho địa phương vay, liên quan đến việc hình thành tài sản, tổ chức khai thác, thu hồi vốn của dự án.

Từ dự án vành đai 3, các đại biểu đề nghị các địa phương trong vùng nghiên cứu cơ chế hình thành một quỹ đầu tư, tổ chức (vùng thể chế đặc thù).

Các địa phương trong vùng được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư giao thông, thu hồi vốn từ khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến và thu phí để trả nợ, giảm dần sự phụ thuộc từ vốn ngân sách trung ương.

Các đại biểu đề xuất TP.HCM là cơ quan điều phối chung, hình thành quỹ phát triển hạ tầng giao thông cho cả vùng, tạo thế tự chủ về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các tuyến đường mang tính chiến lược./.

Nguồn: Đức Phú/tuoitre.vn