Liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Lê Đức Thọ nhận hối lộ hơn 13,8 tỉ đồng, trục lợi hơn 22,1 tỉ đồng; 7 cựu quan chức khác nhận hối lộ từ gần 500 triệu đồng đến gần 6 tỉ đồng.
Từ ngày 20.11 đến 5.12, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, đối với ông Lê Đức Thọ (cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank từ tháng 11.2018 đến tháng 6.2021, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre từ tháng 7.2021 đến tháng 9.2023) và 14 bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH thương mại - vận tải - du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Công ty Xuyên Việt Oil).
Theo đó, bị cáo Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử với 2 tội danh “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil) bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “đưa hối lộ”.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil) bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị can Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và Lê Đức Thọ - ẢNH DO CÔNG AN CUNG CẤP
Nhóm tội nhận hối lộ, còn có 7 bị cáo: Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM), Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn), Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương), Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính).
Nhóm tội đưa hối lộ, còn có 5 bị cáo: Nguyễn Văn Thắng (cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội - Xuyên Việt Oil), Đồng Xuân Dũng (lao động tự do), Vũ Trung Thành (cựu Giám đốc Vietinbank chi nhánh Thanh Xuân), Đinh Tiến Dũng (cựu kế toán Công ty Xuyên Việt Oil), Nguyễn Tấn Long (cựu Trưởng phòng kinh doanh Xuyên Việt Oil).
Theo quyết định xét xử, chủ tọa phiên tòa là ông Trần Minh Châu. 6 kiểm sát viên tham gia phiên tòa theo sự phân công của Viện KSND tối cao: ông Lê Huy Hoàn, ông Đỗ Mạnh Quang, ông Nguyễn Hồng Hiệp, ông Phạm Văn Hiền, bà Nguyễn Thị Lan Anh, bà Bùi Thị Thu Hương.
Thất thoát ngân sách hàng ngàn tỉ đồng
Theo cáo trạng, tháng 8.2016, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, qua đó trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Sau khi được cấp giấy phép, lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ bình ổn giá (BOG) và quản lý, sử dụng tiền Quỹ BOG tại Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã làm trái các quy định của pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG.
Bị cáo không chỉ đạo nhân viên công ty thực hiện các quy định của pháp luật về trích lập Quỹ BOG theo thông báo điều hành kinh doanh xăng dầu của Bộ Công thương mà chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền từ tài khoản Công ty Xuyên Việt Oil vào tài khoản cá nhân của mình, để sử dụng vào mục đích riêng.
Hành vi trên dẫn đến Quỹ BOG có số dư không đúng theo quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 219 tỉ đồng.
Đặc biệt, theo quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nhiệm vụ giúp Nhà nước thực hiện việc thu hộ tiền thuế bảo vệ môi trường từ người tiêu dùng. Quản lý và nộp thay người tiêu dùng khoản tiền thuế này vào ngân sách nhà nước theo định kỳ (chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày nộp tờ khai).
Tuy nhiên, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh cố ý không chuyển nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường đã quản lý, thu hộ cho Nhà nước vào ngân sách mà sử dụng cá nhân. Hành vi trên dẫn đến mất khả năng hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước, gây thất thoát hơn 1.244 tỉ đồng.
Bị cáo Lê Đức Thọ nhận hối lộ hơn 13,8 tỉ đồng, trục lợi hơn 22,1 tỉ đồng
Để bưng bít sai phạm, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ cho hàng loạt cựu quan chức, với tổng số tiền lên tới hàng triệu USD.
Trong số này, bị cáo Hạnh 2 lần đưa hối lộ cho bị cáo Lê Đức Thọ, tổng 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỉ đồng), để bị cáo Thọ tạo điều kiện trong việc cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil tại Vietinbank.
Không chỉ nhận hối lộ, khi được điều động, phân công từ Chủ tịch HĐQT Vietinbank sang làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, bị cáo Lê Đức Thọ còn đề nghị bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh của Công ty Xuyên Việt Oil tại tỉnh này. Mục đích để công ty nộp thuế, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Bị cáo Hạnh đồng ý, thành lập Công ty Việt Oil, đặt trụ sở tại TP.Bến Tre. Đổi lại, công ty sẽ được ông Thọ hỗ trợ, tạo điều kiện để vay vốn.
Nhờ sự tác động giúp Công ty Việt Oil được vay vốn tại Vietinbank chi nhánh Bến Tre, ông Thọ hưởng lợi hơn 22,1 tỉ đồng, gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỉ đồng), được tặng 1 bộ gậy golf trị giá 1,1 tỉ đồng, 1 đồng hồ Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD (tương đương hơn 9,8 tỉ đồng), 1 xe ô tô Mercedes S450 trị giá gần 6,7 tỉ đồng.
Ngoài số tiền và tài sản đã nhận trên, theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Lê Đức Thọ còn được bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh nhiều lần gửi tiền, quà chúc mừng sinh nhật, chúc mừng ông Thọ về làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cảm ơn ông Thọ tư vấn cho Hạnh trong việc quản trị hoạt động của Công ty Xuyên Việt Oil, gồm: 200.000 USD, 300 triệu đồng, 3 đồng hồ Patek Philippe với tổng trị giá 355.000 USD.
Đối với số tài sản này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự với ông Thọ. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ để khắc phục hậu quả vụ án, vì đây là số tiền, tài sản sản bị cáo Hạnh phạm tội mà có. Riêng 400.000 USD và 300 triệu đồng, ông Lê Đức Thọ khai đã sử dụng chi tiêu cá nhân.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra thu giữ của bị cáo Lê Đức Thọ một số đồ vật: 1 xe ô tô Mercedes - Benz, 3 bộ gậy golf hiệu Honma, 10 đồng hồ đeo tay các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak-Marin, Breguet, Blainpain, 1 đồng hồ để bàn Patek Philippe, 440.000 USD, 134 bản chính sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm/giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm, 4 sổ hồng, 97 miếng kim loại vàng, gần 1,8 tỉ đồng...
7 cựu quan chức nhận hối lộ bao nhiêu?
Theo cáo trạng, ngoài ông Lê Đức Thọ, 7 cựu quan chức khác cũng nhận hối lộ của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, gồm:
- Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) nhận hơn 1,1 tỉ đồng.
- Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) nhận hơn 5,6 tỉ đồng, chiếm hưởng hơn 2,7 tỉ đồng.
- Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) nhận gần 6 tỉ đồng, chiếm hưởng hơn 3,2 tỉ đồng.
- Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) nhận 400 triệu đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn 521 triệu đồng.
- Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM) nhận hơn 4,8 tỉ đồng.
- Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn) nhận hơn 3,2 tỉ đồng.
- Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính) nhận hơn 459 triệu đồng.
Nguồn: Phan Thương/thanhnien.vn