Cơn mưa chiều 23-6 đã khiến nhiều khu vực Đà Lạt ngập nặng trong khoảng 30 phút. Nước rút đi rất nhanh sau đó nhưng để lại nỗi hoang mang.
Người dân, du khách đang ở Đà Lạt hoang mang. Đối với du khách đang có kế hoạch đến Đà Lạt thì lo lắng, dò hỏi khắp nơi để quyết định có nên đi Đà Lạt hay không mặc dù rất muốn đến đây.
Con đường dọc sân golf Đồi Cù trở thành suối - Ảnh: M.V.
Nước đổ dồn về phía suối Cam Ly
Theo UBND TP Đà Lạt, trận ngập lần này nhỏ hơn trận ngập vào tháng 9-2022. Điểm ngập đáng lưu ý nhất là đoạn cuối đường Phan Đình Phùng, tuy nhiên khu vực này chỉ ngập trong khoảng 30 phút ở khoảng 100m mặt đường.
Người dân vừa tát vừa bơm nước trong trận mưa chiều 23-6 - Ảnh: M.V.
Chiều 23-6, trên địa bàn TP Đà Lạt có những vùng mây dông phát triển gây mưa to. Cường độ mưa lớn, tập trung chỉ trong vòng 1 giờ (khoảng từ 13h - 14h). Lượng mưa nhiều nơi đạt 65mm/h khiến nước chảy nhanh về các khu vực trũng, gây nghẽn dòng, ngập cục bộ.
Các điểm ngập đều nằm dọc ven suối Cam Ly, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Đa Thiện, Hà Đông…
Nước từ hồ Xuân Hương tràn lên đoạn đường Trần Quốc Toản (phía tây Đồi Cù) - Ảnh: M.V.
Tháng 8-2018, trận mưa đạt 23mm/h (lượng mưa trung bình) đã khiến khu vực hạ lưu suối Cam Ly ngập nặng, nhiều nhà cửa và ô tô hư hỏng.
Tại thời điểm đó, nội ô Đà Lạt xuất hiện nhiều điểm ngập kéo dài khoảng 1 giờ như hạ lưu suối Cam Ly (khu dân cư Mạc Đĩnh Chi), khu vực hồ Than Thở, bờ hồ Xuân Hương khu vực Vườn hoa thành phố.
Năm 2022, trận mưa lớn hơn, đạt hơn 50mm/h khiến các vị trí nói trên bị ngập trong khoảng 30 phút. Mới đây, trận mưa chỉ xảy ra khoảng một giờ nhưng với cường độ lớn hơn (65mm/h) gây ra hậu quả nghiêm trọng ở nội ô Đà Lạt, nhất là vùng trũng.
Từ số liệu của các cơ quan tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia nhìn nhận Lâm Đồng đang gánh hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao. Hai tác nhân này khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng.
Do đó chỉ cần một trận mưa có cường độ trung bình là có thể khiến Đà Lạt ngập ở vùng trũng. Nếu thời tiết cực đoan kéo dài, chắc chắn hậu quả sẽ đáng lo ngại hơn.
Suối Cam Ly tràn nước vào nhà dân - Ảnh: M.V.
Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn (Đại học Đà Lạt) nhìn nhận: “Tỉnh Lâm Đồng chưa công bố hệ số thấm của nội ô Đà Lạt nhưng bằng mắt thường, có thể thấy không có mảng xanh, đất trống xen kẽ trong các khu vực dân cư, vùng trung tâm Đà Lạt.
Khi mưa lớn xảy ra một cách cực đoan, nước không thấm, thoát dần ở vùng cao mà đổ dồn xuống vùng thấp thì hệ thống thoát nước và suối sẽ không chịu nổi và gây ngập.
Lấy tỉ lệ rừng đô thị để lý giải việc này không chính xác, vì rừng một bên và khu dân cư một bên đang là hiện trạng của Đà Lạt. Cả một đô thị lớn nhưng vùng cảnh quan xen kẽ không có, nền đất cỏ đã thay thế bằng bê tông thì dễ hiểu có mưa là sẽ ngập.
Trong phạm vi trung tâm Đà Lạt, tôi khẳng định hệ số thấm của đất tiệm cận mức 0, do đó việc ngập mỗi khi mưa lớn sẽ còn xuất hiện. Hoặc hiện tượng này sẽ gây áp lực rất lớn lên chính quyền thành phố trong việc giải quyết nó lẫn những hậu quả ngắn hạn”.
Một cán bộ thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định việc ngập xảy ra ở khu vực sân golf Đồi Cù: "Cả không gian trống lớn nhưng nước không thấm mà lại thoát ra đường hoặc ra hồ Xuân Hương, rõ ràng thiết kế cảnh quan có vấn đề. Lớp cỏ xanh nhân tạo của sân golf không tạo được độ cản làm chậm dòng chảy, sau đó tích dần vào trong đất.
Điều này chứng tỏ hệ số thấm không đảm bảo. Đáng lẽ sân golf là khu vực hấp thụ nước tự nhiên, giảm áp lực thoát nước cho nội ô Đà Lạt thì lại trở thành gánh nặng cho hệ thống ngay trong cơn mưa".
Đồi Cù với khoảng trống 64ha nhưng khi mưa, nước kèm bùn đỏ đổ xuống đường Trần Quốc Toản và hồ Xuân Hương - Ảnh: M.V.
Du khách lo ngại
Ngay khi trận mưa còn đang diễn ra đến sáng nay (24-6), UBND TP Đà Lạt đã tổ chức khắc phục hậu quả do trận ngập gây ra. Lực lượng chức năng tổ chức nạo vét các điểm nghẽn hệ thống suối trên địa bàn TP Đà Lạt để tránh hiện tượng tương tự trong giai đoạn Đà Lạt đang bước vào đầu mùa mưa.
Dù trận ngập cục bộ chiều 23-6 không lớn, tuy nhiên nhiều du khách đang lưu trú lẫn du khách có kế hoạch đến Đà Lạt lo ngại.
Anh Thanh Hân (Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi định đi với gia đình đến Đà Lạt chiều 23-6, nhưng nghe có ngập lụt liền hoãn chuyến đi. Tôi phải gọi hỏi nhiều người quen xem tình hình thế nào mới quyết định đặt vé lại. Chuyện mưa ngập ở những nơi khác có lẽ không đáng chú ý, nhưng ở thành phố du lịch, lại là phố núi thì dễ khiến nhiều người lo lắng. Du khách không ai muốn đến Đà Lạt rồi bị khó chịu vì ngập úng"./.
Nguồn: Mai Vinh/tuoitre.vn