Cựu Chủ tịch FLC và 2 em gái xin giảm án

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Cựu Chủ tịch FLC và 2 em gái xin giảm án

Trong số 25 người kháng cáo, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và em gái đều xin giảm nhẹ hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự.

 

Ngày 1.10, gần 2 tháng sau khi TAND Hà Nội tuyên án phạt 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), đã có 25 bị cáo trong số này gửi đơn kháng cáo, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Trong đó, phần lớn các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo, xin được giảm trách nhiệm dân sự trong vụ án.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt kháng cáo xin giảm nhẹ về mức hình phạt và mức trách nhiệm dân sự áp dụng với bị cáo trong vụ án.

Hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án, không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.

Cựu Chủ tịch FLC và 2 em gái xin giảm án

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khi bị dẫn giải ở phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Quang Việt

Trước đó, tại phiên tuyên án chiều 5.8, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Quyết là 21 năm tù.

Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Trịnh Thị Minh Huế bị tòa tuyên phạt 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga bị phạt 8 năm tù.

Trần Thế Anh - cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương.

Đỗ Như Tuấn - cựu Tổng Giám đốc Công ty Faros kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo toàn bộ bản án.

Ngoài ra, còn một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.

Theo HĐXX, quá trình điều tra, xét xử tại tòa có đủ cơ sở xác định ông Quyết chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng;

Đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp nâng khống cho 25.000 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng là người quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.

Tòa sơ thẩm cũng buộc bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế phải bồi thường thiệt hại cho bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tổng cộng hơn 1.700 tỉ đồng. Ông Quyết cũng phải truy nộp khoản tiền hưởng lợi hơn 600 tỉ đồng từ hành vi thao túng thị trường chứng khoán./.

Nguồn: Việt Dũng/laodong.vn